Chính phủ ra hai văn bản xúc tiến việc nâng cấp hạ tầng ở ĐBSCL

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:37, 18/03/2023

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 17.3 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận dài khoảng 51,82 km bao gồm đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22km, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6km.

Cụ thể: Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, dài khoảng 11,20km; điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 40,62km; điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67+00 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 Quốc lộ 63) thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. 

Đường có vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn 1 sẽ có 2 làn xe còn khi hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe. Dự kiến xây dựng 26 cầu trong đó có 3 cầu vượt sông lớn là cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông, thiết kế vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Dự án thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 3.904,66 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025; năm 2026 hoàn thành báo cáo Quốc hội.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 79/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực ĐBSCL, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện nhu cầu các loại vật liệu thi công (trong đó có cát đắp nền), lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các địa phương trước ngày 24.3.2023; chỉ đạo các nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương hoặc các doanh nghiệp đang và sẽ khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền để bảo đảm nguồn cung; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.

Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN-MT, UBND các tỉnh có nguồn vật liệu đất san lấp để đánh giá trữ lượng, khả năng cung ứng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật san lấp, đắp nền đường cho các dự án trong vùng.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất tại tỉnh Long An đã cấp phép với khối lượng 30 triệu m3 để cung cấp cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ TN-MT khẩn trương chủ trì nghiên cứu, phối hợp với Bộ GTVT thử nghiệm nguồn cát biển; xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ...) để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng.

Trước ngày 22.4.2023, có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tiếp tục nhất quán phương châm việc triển khai các dự án đường cao tốc trong Vùng là công trình của quốc gia, phục vụ lợi ích chung của toàn khu vực ĐBSCL, cả nước và mang lại động lực, lan tỏa, thúc đẩy thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của toàn Vùng và của từng địa phương; vì vậy, phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong Vùng.

H.Đ