Cuộc chiến tại Ukraine khiến Mỹ thay đổi cách mua vũ khí
Chuyển động - Ngày đăng : 10:48, 15/03/2023
Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng) yêu cầu cấp kinh phí mua vũ khí nhiều năm thay vì đặt hàng từng năm. Theo Politico, động thái này nhằm mục đích thúc đẩy tăng cường sản xuất đủ đáp ứng cho xung đột xảy ra trong tương lai.
Lầu Năm Góc lâu nay áp dụng hợp đồng nhiều năm cho chương trình sản xuất tàu chiến và máy bay để tiết kiệm tiền, đảm bảo sản xuất ổn định. Áp dụng hợp đồng tương tự với đạn dược sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng biết rõ lượng hàng Lầu Năm Góc dự định mua, cho phép các công ty lớn thương lượng đơn hàng lớn với đơn vị cung cấp.
Theo một quan chức Lầu Năm Góc cấp cao: “Mọi người nhìn vào những gì đang xảy ra tại Ukraine và nghĩ rằng có lẽ cần xây dựng nền tảng vũ khí đạn dược vững vàng hơn”. Cuộc chiến hiện tại phơi bày năng lực sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu đạn dược tăng vọt.
Một điểm đáng chú ý nữa là Lầu Năm Góc yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 30,6 tỉ USD trong năm tài khóa 2024 cho đạn dược, tăng 5,8 tỉ USD so với yêu cầu cho năm tài khóa 2023. Tiền sẽ dành cho hoạt động mua sắm và tối đa hóa việc sản xuất tên lửa tiên tiến phóng từ trên không cùng trên biển.
Quan chức Lầu Năm Góc cấp cao cho biết dù yêu cầu ngân sách quốc phòng mới đây chịu áp lực từ cuộc chiến tại Ukraine, nhưng hầu hết vũ khí họ mua sắm không chuyển đến Kyiv mặc dù một khoản nhỏ trong ngân sách dành cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đầu tuần qua nói rõ loạt thay đổi trong chiến lược mua sắm với báo giới: “Với nhiều loại đạn dược quan trọng, chúng tôi tìm cách tận dụng khả năng mua sắm linh hoạt trong nhiều năm của Quốc hội để chốt các khoản đầu tư quan trọng, thu được nhiều lợi ích nhất từ tiền người dân đóng thuế, thể hiện rõ ràng nhu cầu cho ngành công nghiệp quốc phòng, chuẩn bị tốt hơn để ứng phó tình huống bất ngờ trong tương lai. Chúng tôi đang tiếp tục phá bỏ giới hạn và tăng tốc lộ trình sản xuất”.
Nguồn tin của Politico tiết lộ ngoài đạn dược, Lầu Năm Góc cũng áp dụng chiến lược mua sắm tương tự với vài vũ khí viện trợ cho Ukraine, chẳng hạn hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống pháo GMLRS.
Yêu cầu ngân sách quốc phòng còn kêu gọi dành ra 37,7 tỉ USD hiện đại hóa “bộ ba hạt nhân” (tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ đất liền, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân, máy bay mang bom cùng tên lửa hạt nhân) và 170 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ; 29,8 tỉ USD cho phòng thủ tên lửa; 11 tỉ USD cho tên lửa siêu thanh lẫn tên lửa cận siêu thanh tầm xa; 33,3 tỉ USD cho tác chiến không gian; 13,5 tỉ USD cho tác chiến không gian mạng; 9,1 tỉ USD cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương...