Sau 11 lần phẫu thuật, người đàn ông bị đứt một phần thi thể được cứu sống ngoạn mục
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:49, 14/03/2023
Chiều 14.3, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, sau 4 tháng bệnh viện đã cứu sống thành công người đàn ông bị đứt một phần thi thể sau khi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.
TS.BS Ngô Đức Hiệp – Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân này là anh V.M.H. (53 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) được chuyển đến bệnh viện vào ngày 27.10.2022 từ Bệnh viện huyện Bình Chánh sau khi bị tai nạn giao thông trong tình trạng đa chấn thương, sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được.
Lúc này, bệnh nhân gần như bị đứt một phần thi thể phía dưới của cơ thể mình. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương trong tình trạng dập nát đùi trái, bẹn trái, rách nát tầng sinh môn, lóc da bìu lộ tinh hoàn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, đứt lìa, mất xương chậu trái, gãy xương đòn trái.
“Mọi kỹ thuật cận lâm sàng trước khi tiến hành ca mổ này đều bỏ qua, chỉ trong vòng 30 phút khi chuyển đến Khoa Cấp cứu, từ lúc 10 giờ 40 đến 11 giờ 10 là đã chuyển vào phòng mổ tiến hành phẫu thuật cứu bệnh nhân”, bác sĩ Hiệp cho hay.
Sau ca phẫu thuật đầu tiên vào ngày 27.10.2022, bệnh nhân còn trải qua 7 lần hội chẩn chuyên khoa, 10 lần phẫu thuật với sự tham gia điều trị của 10 chuyên khoa (gồm: cấp cứu, gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, ngoại tiết niệu, ngoại tiêu hoá, phỏng – tạo hình, phẫu thuật mạch máu, ngoại thần kinh, bệnh nhiệt đới, dinh dưỡng…) và trực tiếp nằm điều trị tại 6 chuyên khoa với tổng thời gian điều trị 112 ngày.
“Sau hơn 4 tháng điều trị, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn, ăn uống tốt, hóc môn nội tiết hoạt động tốt, sonde bàng quang hoạt động tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện vào ngày mai (15.3)”, bác sĩ Hiệp thông tin.
PGS.TS.BS Lâm Việt Trung – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây là một trường hợp rất hy hữu, một chấn thương rất nặng. Bệnh nhân bị ô tô cán qua khung chậu làm tổn thương hết tất cả hệ thống vùng chậu gồm: xương chậu, xương cụt, bàng quang, trực tràng, ruột, bộ phận sinh dục…
“Những trường hợp như vậy hầu như bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, việc cứu sống được bệnh nhân này là cả một quá trình phẫu thuật kéo dài, trải qua 11 lần cũng như sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa, từ cấp cứu đến khi lên phòng mổ và cả các khoa lâm sàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những hội chẩn, quyết sách kịp thời, chính xác và cả sự năng động, sáng tạo trong việc áp dụng kỹ thuật cho bệnh nhân. Chúng tôi rất vui mừng đã cứu sống được bệnh nhân, trả lại cuộc sống bình thường, dù phải bị mất đi 1 chân”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Chia sẻ về ca mổ đặc biệt này, bác sĩ Lê Văn Dũng – Phó khoa gây mê hồi sức, cho rằng, điều khó khăn nhất khi thực hiện ca mổ này là mạch và huyết áp của bệnh nhân không đo được, nhưng trong một thời gian rất ngắn phải lên bàn mổ ngay. “Chúng tôi phải huy động nhân lực gấp 2 đến 3 lần so với các ca bình thường khác mới đáp được yêu cầu. Bệnh nhân bị sốc mất máu lớn, nên phải chuẩn bị một lượng máu đủ lớn để đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, trong quá trình mổ, chúng tôi phải tìm cách duy trì được huyết áp ổn định để đảm bảo tưới máu các cơ quan trong thời gian mổ dài”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Theo TS.BS Lê Văn Tuấn – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, với chấn thương như trên của bệnh nhân, theo y văn thế giới sẽ rất khó có thể sống. “Bệnh nhân này bị đứt một phần thi thể phía dưới. Phần thi thể phía dưới là rất quan trọng, bệnh nhân mất cả khung ức, khung chậu, chi dưới… Sau khi tách rời những phần này ra thì không có gì che phủ nên sẽ chết. Do đó, việc che phủ và cứu sống được bệnh nhân này phải nói là một kỳ tích”, bác sĩ Tuấn nói.
Nói về thời khắc quan trọng nhất giúp bệnh nhân có thể cứu sống như ngày hôm nay, BS.CK2 Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, đó chính là quyết định “can thiệp vàng” trong vòng 30 phút, bỏ qua mọi thủ tục cận lâm sàng theo quy định.
“Trong ca này, nếu thực hiện bài bản, đúng theo quy trình thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết. Quyết định làm thì dễ còn quyết định không làm mới khó. Nếu không làm, lỡ xảy ra điều gì sẽ rất nguy hiểm với bác sĩ. Phải nói rằng, quyết định không thực hiện các thủ tục cận lâm sàng của các bác sĩ trước khi thực hiện ca phẫu thuật này là thể hiện một bản lĩnh, kinh nghiệm. Khi bệnh nhân này mạch và huyết áp bằng 0, các bác sĩ ở đây tiến hành bơm máu, khi huyết áp được 5mmHg là tiến hành mổ ngay. Bệnh nhân này được cứu sống như là “sinh nhật lần thứ 2”, bác sĩ Việt nhấn mạnh.