Bóng đá Việt Nam qua giải U.20 châu Á: Phải bỏ ngay tầm nhìn ngắn hạn
Thể thao - Ngày đăng : 00:18, 08/03/2023
Một Thế Giới đã có những bài viết phản ánh lối chơi của các đội thi đấu ở V-League phụ thuộc quá nhiều các cầu thủ nước ngoài và nhiều CLB mặc nhiên trao cho họ các vị trí trung vệ, tiền đạo với thể hình cao to, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, VFF và VPF không có bất kỳ quy định nào bắt buộc các CLB thi đấu hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải có hệ thống đào tạo các tài năng trẻ.
Nguy hiểm hơn nữa là VFF và VPF cùng chung một căn bệnh, đó là bệnh: thành tích!
Rõ nhất là VFF đã đồng ý cho VPF quyết định dừng V-Legue 2023 để tập trung cho đội U20 Việt Nam tham dự giải châu Á, dù rằng chỉ có 3 tuyển thủ U20 được ra sân thi đấu ở V-League 2023 (VPF không có công gì trong 2 trận thắng của tuyển U20 Việt Nam – MTG, 6.3.2023)
Không nên đặt nặng thành tích ở bóng đá trẻ
Bóng đá Việt Nam (BĐVN) quá chú trọng thành tích ở mọi cấp độ, thực trạng này cần thay đổi. Khi bóng đá trẻ Việt Nam đặt nặng thành tích thì không thể toàn tâm toàn ý đào tạo, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến thuật của các cầu thủ trẻ trên nhiều vị trí.
Vì bệnh thành tích, vì lối chơi hoàn toàn phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài suốt nhiều năm qua của BĐVN mà HLV các đội trẻ cũng có sự rập khuôn trong huấn luyện. Ví dụ trung vệ hay tiền đạo phải là những cầu thủ có thể hình tốt, sau đó mặc nhiên hướng dẫn các trung vệ, tiền đạo tập rồi đối phó hay thích nghi với các tình huống cố định thay vì dạy thêm những kỹ năng cơ bản chống lại hay phát huy thêm lối chơi đầy kỹ thuật, khéo léo và nhanh nhẹn của các cầu thủ nhỏ con.
Để huấn luyện cầu thủ trẻ thích nghi rồi phát triển ở nhiều vị trí khác nhau với tư duy chiến thuật khác nhau sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng vì thành tích mà các HLV đã hạn chế khả năng phát triển của cầu thủ coi như chúng ta tự giới hạn sự phát triển đa dạng, sáng tạo của tuổi trẻ.
Với bóng đá trẻ cần xác định thành tích đội trẻ không quan trọng bằng tương lai cầu thủ trẻ.
Chúng ta không nên coi trọng thất bại hiện tại của bóng đá trẻ là quan trọng, mà thành công tương lai của bóng đá trẻ mới là quan trọng, là cái đích của công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Mỗi trận đấu có thể thua từ sai lầm không mong muốn của các cầu thủ trẻ, nhưng đó là cơ hội để các HLV sửa lỗi cho tương lai các cầu thủ trở nên tốt hơn.
Một bất hợp lý nữa trong môi trường BĐVN là gần như các cầu thủ trẻ phải gắn chặt với nơi phát hiện, đào tạo ban đầu thay vì những cầu thủ trẻ này vẫn có thể được giải phóng hợp đồng để đi đến những môi trường tốt hơn, hoặc phù hợp hơn để phát triển tài năng.
Trên hết tất cả là BĐVN cần nghiêm túc nhìn lại là nên xây dựng bản sắc theo phong cách gì để từ đó vạch ra chiến lược phù hợp và có lợi cho BĐVN.
Những gì chúng tôi nói gần như các quan chức, lãnh đạo, chuyên gia, HLV, cầu thủ… của BĐVN có lẽ đều biết. Nhưng BĐVN cần thay đổi chuyển từ tầm nhìn ngắn hạn khi quá chú trọng đến thành tích qua tầm nhìn xa với những mục tiêu cụ thể cùng giải pháp để đạt được từng mục tiêu đề ra.
Giấc mơ World Cup
Được tham dự vòng chung kết Wolrd Cup là giấc mơ của tất cả quốc gia trên hành tinh này. Với BĐVN đó là một con đường dài mà mọi người cùng chung tay góp sức từ tâm trí, tài lực cho đến quyền lực.
BĐVN không phải đặt mục tiêu là vào vòng chung kết World Cup 2026 hay 2030… mà nên vạch ra chiến lược làm thế nào để đạt được mục tiêu này.
Ví dụ, nếu đặt mục tiêu là World Cup 2026 thì lứa tuổi nào là phù hợp để đầu tư và đầu tư ra sao để đạt được cái đích này. Nếu không đạt được thì sao? Những World Cup sau nữa sẽ như thế nào?
Bóng đá có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, hơn 10 năm qua đã có những học viện đào tạo bóng đá trẻ ra đời. Trước đó nhiều địa phương đã có hệ thống đào tạo trẻ. BĐVN có một sức mạnh mà trên thế giới không nhiều quốc gia có được, đó là một cộng đồng yêu bóng đá rất tuyệt vời. Hiểu được sức mạnh của mình, có được những định hướng, kế hoạch cụ thể cho tương lai, chúng ta sẽ hiểu rằng, BĐVN không bị thế giới bỏ quá xa.
Thế nhưng khó khăn cho BĐVN là điều kiện sân bãi, khoảng cách địa lý, khó khăn tài chính đã là rào cản khiến cho không dễ dàng xây dựng hệ thống thi đấu giải trẻ hoàn hảo.
Vậy giải pháp nào cho hoàn cản hiện nay?
Theo chúng tôi, giải pháp ngắn hạn là tạo ra giải vô địch quốc gia U19, U21, từ đó các cầu thủ có cơ hội thi đấu nhiều trận hơn, thường xuyên hơn cả trong nước lẫn quốc tế. Ngay cả giải Hạng nhì cũng nên thay đổi. Thay vì lịch đấu dồn ép trong hai tháng thì nên kéo dài với lịch đấu khoa học hơn.
Tất nhiên việc sắp xếp lại hệ thống thi đấu tổng thể từ thấp đến cao cho BĐVN sao cho phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của đất nước cũng như phải tôn trọng lịch thi đấu quốc tế không dễ dàng. Nhưng không gì là không thể nhất là BĐVN có sự đồng lòng và ủng hộ tuyệt đối của cấp cao Chính phủ.
Nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời đầy đủ đại diện các đội V-League, Hạng nhất, Hạng nhì, Hạng ba, các Học viện, các địa phương đào tạo trẻ, các chuyên gia, HLV hàng đầu Việt Nam rồi cùng đưa ra ý kiến đóng góp, sau đó tổng hợp xây dựng một hệ thống mà tất cả đối tượng liên quan đều có lợi.
Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam có lực, có tâm huyết nhưng chưa có sự thống nhất. Cần tách bạch rõ giữa những nhà đầu tư tài chính với các nhà chuyên môn. Người có tiền hay đầu tư không phải là người quyết định tất cả, họ chỉ hỗ trợ trước những quyết định của các nhà chuyên môn.
BĐVN nên hiểu rõ vấn đề rất quan trọng này.
Trên đây là những vấn đề cơ bản và là giải pháp ngắn hạn mà BĐVN cần thay đổi để phát triển. Nhưng để có giải pháp ngắn hạn này thì VFF và VPF phải có tầm nhìn dài hạn!