Vì sao Ấn Độ chưa sẵn sàng từ bỏ khai thác than?
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:30, 01/03/2023
Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị đầu tư 33 tỉ USD vào các nhà máy điện chạy bằng than trong vòng 4 năm tới.
Nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đã tạo ra hơn 70% nguồn điện của Ấn Độ từ hàng chục năm nay, trong khi năng lượng tái tạo hiện chỉ đáp ứng 10% nhu cầu sử dụng điện ở quốc gia này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Scotland năm 2011, Ấn Độ đã cam kết “giảm dần” việc sử dụng than. Nhưng theo Washington Post ngày 27.2, cam kết đó không có nghĩa nước này sẽ không sử dụng than nữa.
Ngược lại, quốc gia này dự kiến sản xuất - sử dụng than sẽ mạnh hơn nữa, do tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu về năng lượng sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ cho phép mở lại các mỏ than cũ, khai thác thêm mỏ mới và gia hạn hợp đồng cho các công ty khai thác than tư nhân. Điều này cho thấy New Delhi chưa sẵn sàng từ bỏ việc khai thác than trong ít nhất 25 năm nữa.
Bộ trưởng Bộ Than Amrit Lal Meena cho biết: “Nhu cầu năng lượng của chúng tôi là trên hết. Tỉ trọng trong các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo không đáp ứng nổi nhu cầu năng lượng của chúng tôi. Do vậy, việc lệ thuộc vào than là điều không thể tránh khỏi. Các mỏ than rất quan trọng và tất cả những gì chúng tôi làm ra đều được tiêu thụ”.
Tại Hội nghị COP27 tại Ai Cập, Ấn Độ cam kết sẽ dựa vào nhiên liệu hóa thạch với không quá một nửa công suất điện vào năm 2030.
Nhưng tỷ lệ điện được tạo ra từ các nguồn khác ngoài nhiên liệu hóa thạch đã không tăng trong hơn một thập kỷ và vẫn ở mức thấp hơn một phần năm tổng sản lượng điện, theo dữ liệu từ Bộ Điện lực Ấn Độ.
Chính phủ Ấn cũng đặt mục tiêu sản xuất 1 tỉ tấn than trong năm tài khóa 2024 (kết thúc vào tháng 3 cùng năm), tăng so với mục tiêu 700 triệu tấn trong năm tài khóa 2023 (kết thúc trong tháng 3 năm nay)
New Delhi cũng kêu gọi các công ty khai thác than "càng nhanh càng tốt" vì dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, Ấn Độ vẫn đang kết nối hàng triệu ngôi nhà ở vùng sâu vùng xa với lưới điện và trong hai thập kỷ tới, dự kiến sẽ bổ sung thêm lượng điện mới tương đương với lượng điện mà toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện đang sử dụng.
Rohit Chandra, trợ lý giáo sư ở Viện Công nghệ Ấn Độ, người chuyên nghiên cứu về năng lượng cho biết: “Để yên than dưới đất chỉ là một khái niệm của phương Tây. Năng lượng tái tạo chỉ có thể đáp ứng phần nào cho sức tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ và than vẫn sẽ giữ vai trò đáng kể trong hệ thống điện của Ấn Độ”.
Áp lực đẩy nhanh tiến độ việc khai thác than
Năm 2011, Chính phủ Ấn Độ gia hạn hợp đồng khai thác mỏ trong 15 năm cho công ty mỏ Essel, thuộc tập đoàn Aditya Birla. Đây là cách tiếp cận mới của Chính phủ Ấn Độ nhằm tăng sản lượng than bằng cách chuyển các mỏ than của các công ty nhà nước cho các công ty tư nhân khai thác, thường là với hợp đồng khai thác trong 25 năm. Và cách làm này đang trở nên phổ biến ở quốc gia này.
Các công ty tư nhân này cũng được cấp phép tự đào mỏ riêng, càng khiến việc tư nhân hóa ngành than thêm sâu sắc.
Sau khi bùng phát dịch COVID-19, nguồn nhiên liệu ở các nhà máy điện của Ấn Độ bị cạn kiệt, Chính phủ đã tăng sản lượng than bằng cách nới lỏng nhiều quy định cho ngành này.
Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ than lớn thứ nhì thế giới và là một trong những nước có trữ lượng than lớn nhất. Chẳng hạn như mỏ than Bhubaneswari, gần thị trấn Talcher ước tính có 1 tỉ tấn than tương đối nông, ngoài 300 triệu tấn đang được khai thác. Chính phủ có kế hoạch trong 25 năm tới sẽ tăng gấp ba lần diện tích khai thác của mỏ. Với việc mở rộng này, nguy cơ 17 ngôi làng lân cận sẽ biến mất. Và với tốc độ khai thác hiện tại, than sẽ chỉ tồn tại trong 35 năm.
Dibyajiban Si, Giám đốc khai thác mỏ than này cho biết: “Sức ép đang đè nặng lên chúng tôi. Khi nào còn nhu cầu sử dụng thì chúng tôi còn phải khai thác, và việc khai thác này sẽ kéo dài ít nhất 20, 30 năm”.
Ở thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, nhà cầm quyền của Anh khi đó đã điều hành 3 mỏ ở vùng Talcher. Khi quốc gia này độc lập vào năm 1947, chỉ có một khu vực khai thác nhỏ ở vùng lân cận (bang Odisha ngày nay) và thời gian gần đây, khu vực này đang được khai thác rầm rộ trở lại.
Hiện tại, các quan chức Chính phủ rất hào hứng với mỏ Bhubaneswari vì quy mô khổng lồ của nó và cũng vì dễ đào được nguồn than bùn - dù chất lượng thấp.
Người dân địa phương gọi nguồn than dễ đào này là “đá lửa”. Ở bên ngoài mỏ Hingula gần đó, dân làng thường viếng một ngôi đền xây xung quanh một cột lửa. Họ cho rằng cột lửa ấy chính là nữ thần Hingula của đạo Hindu.
Nhưng những người khác nói cột lửa này có thể là do than tiếp xúc với oxy và phản ứng hóa học nên bốc cháy.
Rajinder Singh Malhotra, Giám đốc điều hành của mỏ Essel nói rằng: “Đó là món quà của tự nhiên”.
Cuộc sống mưu sinh của người dân Talcher gắn chặt với than
Các quan chức Ấn Độ nói rằng họ không còn giải pháp nào ngoài việc khai thác than. Trong khi các công ty năng lượng bắt đầu đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo thì số tiền còn lại trong quỹ không đủ để giảm dần việc dùng nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ xếp thứ ba thế giới về lượng khí thải carbon nhưng nếu tính trên đầu người, lại là quốc gia có lượng phát khí thải thấp nhất. Do vậy, họ không phải chịu nhiều trách nhiệm về nạn phát thải suốt 100 năm qua.
Ngoài ra, việc khai thác than còn là kế sinh nhai của hàng nghìn người dân Ấn Độ.
“Các mỏ than ở Talcher hiện đang ở thời kỳ đỉnh cao của việc khai thác. Tương lai của nhiều thế hệ dân cư gắn chặt với sự tồn tại của các mỏ than”, theo nhà nghiên cứu Suravee Nayak thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi. Suravee Nayak là người Talcher và đã nghiên cứu các hoạt động khai thác mỏ than ở khu vực suốt 10 năm.
Xung quanh thị trấn này, nhiều tòa nhà được xây bởi Công ty Mỏ Mahanadi Coalfields Ltd (MCL), một công ty nhà nước sở hữu nhiều mỏ trong khu vực. Các trường học, bệnh viện đều mang logo của MCL và đa số nhân công trong khu vực đi làm cho các các mỏ than, hoặc là các doanh nghiệp hỗ trợ cho các mỏ.
Mọi người ở đây đều cho biết cuộc sống khá hơn từ khi có ngành mỏ, và bằng chứng kinh tế tăng trưởng là sự xuất hiện của nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang.
Dĩ nhiên là bụi than từ các mỏ bám đầy Talcher, “nhưng không ai muốn hết bụi. Ngày nào mà hết bụi than thì có nghĩa các mỏ chết và cũng là ngày mà các nồi cơm cũng chết theo”, Soubhagya Pradhan, một quan chức công đoàn đã nghỉ hưu và hiện đang làm việc ở MCL cho biết.
Điều chắc chắn là việc khai thác than trong 10 năm qua đã tác động xấu đến môi trường và người dân; các cây cọ ở thôn Arakhpal nhuốm màu đen vì bụi than. Hoạt động nông nghiệp bị tàn lụi, người dân than vãn về những căn bệnh mới.
Thôn Arakhpal cũng sẽ mất thêm 100 mẫu đất vì việc mở rộng mỏ và sẽ có thêm nhiều người nữa "gia nhập" vào nhóm 12.000 hộ gia đình mất đất vì mỏ than ở Talcher.
Dù vậy, việc khai thác than vẫn nhận được nhiều ủng hộ. Hầu hết người dân vùng Talcher nói rằng, họ thật sự mong ước chính phủ thu hồi đất ruộng của họ để mở rộng mỏ than. Họ giải thích đất ruộng không còn có thể trồng trọt gì được nữa, và họ xứng đáng có việc làm mới cũng như được hưởng đền bù từ việc giao đất cho các công ty khai thác than.
Trưởng thôn Arakhpal, Dinabandhu Pradhan gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài là “rajah”, nghĩa là những nhà cầm quyền. Ông khẳng định: “Tài nguyên quốc gia của chúng tôi là than đá. Các rajah không có quyền nói Ấn Độ phải làm gì với tài nguyên của mình. Các rajah của phần còn lại của thế giới nói phải ngưng khai thác than. Nhưng chúng tôi mới là các rajah của đất nước chúng tôi”.