Mỹ muốn tăng cường hiện diện tại Trung Á
Chuyển động - Ngày đăng : 15:00, 27/02/2023
Ông dự kiến đến Kazakhstan vào ngày 28.2, sau đó là Uzbekistan, gặp gỡ ngoại trưởng 5 quốc gia Trung Á.
Nhà ngoại giao Mỹ phụ trách Nam Á và Trung Á Donald Lu cho biết Mỹ hiểu rõ 5 quốc gia họ chuẩn bị gặp sẽ không cắt đứt quan hệ với Nga hay Trung Quốc, nhưng Ngoại trưởng Blinken muốn thể hiện rằng Washington là đối tác đáng tin cậy khác với Moscow hay Bắc Kinh.
“Chúng tôi có đem lại lợi ích về mặt kinh tế, và cũng đem lại lợi ích về mặt giá trị”, nhà ngoại giao Lu phát biểu.
Giới ngoại giao và giới chuyên gia nhận định các quốc gia Trung Á đang ở thế khó do có thỏa thuận an ninh chính thức với Nga, chịu ảnh hưởng về kinh tế lẫn an ninh lớn từ Nga. Cả 5 nước chuẩn bị gặp Ngoại trưởng Blinken đều bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu đối với nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, hôm 23.2.
Theo chuyên gia Jennifer Brick Murtazashvili (Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế): “Các quốc gia này thực sự mong muốn “thoát Nga”, nhưng họ khó làm được về mặt địa lý và tình hình kinh tế cũng không cho họ nhiều lựa chọn. Vì vậy tôi nghĩ Mỹ thực sự có cơ hội hợp tác với họ”.
Lập trường phức tạp
Kazakhstan có mối quan hệ phức tạp với láng giềng Nga. Nước này rất quan tâm đến cộng đồng người Nga trên lãnh thổ, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev năm ngoái gặp gỡ người đồng cấp Vladimir Putin và tái khẳng định quan hệ đối tác.
Nhưng gần đây Tổng thống Tokayev nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và kêu gọi đàm phán chấm dứt xung đột dựa trên luật pháp quốc tế. Kazakhstan còn đón hàng nghìn người Nga sang trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Một tháng trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Tổng thống Tokayev nhờ lực lượng Nga đến giúp lập lại trật tự sau một cuộc bạo loạn, nhưng ông nhanh chóng yêu cầu họ rời đi vì người dân phản đối mạnh mẽ.
Trong khi đó, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon thu hút sự chú ý lớn khi trên mạng xuất hiện đoạn phim ông chỉ trích Nga phớt lờ lợi ích của các nước Trung Á tại một cuộc họp cấp khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Á được chú ý. Uzbekistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đến thăm Trung Á vào năm 2020, nêu bật vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và kêu gọi hạn chế quan hệ với Trung Quốc.
Chuyên gia Murtazashvili nhận định Mỹ trước đó đã mắc sai lầm khi coi Trung Á là “vùng nước đọng”. Washington sẽ làm tốt hơn với chiến lược coi trọng quyền tự trị của các nhà lãnh đạo khu vực.