Báo động nhiều mặt hàng thủy hải sản xuất đi các nước lao dốc mạnh
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:14, 26/02/2023
Hải sản
Tháng 1.2023, xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt 227 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tất cả các nhóm mặt hàng hải sản như: cá ngừ, mực và bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ... đều giảm so với cùng kỳ. Mực, bạch tuộc giảm 32%, đạt 43 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 43%, đạt 13 triệu USD...
Hai khách hàng nhâp khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều lần lượt giảm 56% và 55% so với cùng kỳ, tương ứng chỉ đạt 34 triệu USD và 11 triệu USD. Thị trường Nhật Bản cũng giảm mạnh 21%, còn 60 triệu USD.
Cá ngừ
Xuất khẩu cá ngừ cũng chưa thể "bừng sáng" trong tháng đầu năm khi tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng này chỉ đạt hơn 50 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Đà sụt giảm diễn ra ở hầu hết các nhóm mặt hàng, trừ cá ngừ chế biến khác mã HS16 (trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh). Trong đó, xuất khẩu nhóm mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 giảm mạnh nhất 55%, còn xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi/đông lạnh và khô giảm 54% và cá ngừ đóng hộp giảm 46%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dưới tác động của lạm phát tại các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã khiến mặt hàng này sụt giảm và xu hướng này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng 1.2023 cũng giảm mạnh.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, nhưng tỷ trọng của thị trường này giảm so với năm trước. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 1.2023 chỉ đạt hơn 16 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ. Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra đang khiến cho người dân Mỹ kìm hãm chi tiêu. Điều này đang tác động tới nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nước.
Cùng với Mỹ, EU cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm, giảm 42%, đạt gần 9 triệu USD. Sự sụt giảm trên đã khiến tỷ trọng của thị trường này giảm và EU tụt xuống vị trí thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Theo đó, VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm vẫn chưa thể khởi sắc khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Cá tra, tôm
Cùng hoàn cảnh, tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng giảm sâu 61% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 83,6 triệu USD. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm 2 con số. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất 81%, Trung Quốc giảm 65%.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 141 triệu USD, cũng giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2022. Chuyên gia VASEP lý giải tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết, nhu cầu thị trường sụt giảm, tôm nguyên liệu khan hiếm nên xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng giảm của cuối năm 2022.
Xuất khẩu sang các thị trường đồng loạt giảm hai con số. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 20,3%. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong tháng 1 năm nay đạt 29 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang thị trường lớn thứ hai, EU trong tháng 1 năm nay đạt 24 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU năm 2023 không được đánh giá tích cực do tác động của lạm phát và những bất ổn liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh từ các nguồn cung đối thủ như: Ecuador, Trung Quốc trên thị trường EU, bên cạnh đa dạng hóa thị trường, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần đa dạng hóa cả sản phẩm và chuỗi cung ứng, tập trung nghiên cứu sản xuất những mặt hàng mà thị trường EU cần.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 1 năm nay đạt 23 triệu USD, giảm 65% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ giảm mạnh do tình trạng dư cung. Giá tôm tại thị trường này cũng đang giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12.2022 chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Mỹ, các nhà chế biến và bán buôn trên thị trường này có thể sẽ mua nhiều tôm đã bóc vỏ và bỏ chỉ lưng thay vì tôm còn vỏ, không đầu vì mặt hàng này dễ vận chuyển hơn - trọng lượng nhẹ hơn để giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian chế biến. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023, đến khoảng tháng 5 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.