Mối đe dọa từ Triều Tiên khiến Hàn - Nhật xích lại gần nhau
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:01, 24/02/2023
Ngày 22.2, Hàn - Nhật cùng Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm đối phó tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, ở vùng biển ngoài khơi phía đông Hàn Quốc, có sự tham gia của các khu trục hạm lớp Atago mang tên lửa hành trình của hải quân Cục Phòng vệ Nhật Bản (MSDF), tàu Barry của hải quân Mỹ và tàu Sejong Đại đế của Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận này “nhằm chia sẻ thông tin mục tiêu của ICBM và làm chủ các quy trình phát hiện-truy vết và can thiệp”.
Đó là cuộc tập trận chung thứ 3 của khối đồng minh nói trên trong 6 tháng qua. Cùng ngày, Mỹ - Hàn cũng có cuộc tập trận trên máy tính ở Lầu Năm Góc, chú ý đến khả năng Triều Tiên sử dụng một loại vũ khí hạt nhân. Hai nước cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trong vài tuần tới.
Triều Tiên phản ứng mạnh
Ngày 23.2, Triều Tiên phóng 4 tên lửa hành trình chiến lược để phản ứng trước các cuộc tập trận của đối phương. Hãng thông tấn nhà nước KCNA ngày 24.2 cho biết các tên lửa này phóng tới biển Nhật Bản và đó là cuộc phô trương “tư thế sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân Triều Tiên vốn đã được tăng cường năng lực phản công hạt nhân đối với các lực lượng thù địch”.
KCNA còn nói việc phóng các tên lửa trong suốt 3 giờ này nhằm xác minh độ tin cậy của chúng và khả năng phản ứng nhanh của lực lượng, và chúng đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 2.000km.
Ngày 20.2, Triều Tiên cũng phóng 2 tên lửa tầm ngắn, nhằm chứng tỏ khả năng tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc và lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng nói đó là cách phản ứng trước việc Mỹ đưa máy bay ném bom B-1B đến khu vực này để tập trận chung với chiến đấu cơ Hàn - Nhật hôm 19.2 nhằm phô trương thế lực sau vụ Triều Tiên phóng thử ICBM.
Tên lửa dẫn đường có trong số vũ khí ngày càng lớn của Triều Tiên, được thiết kế để cơ động khi bay nhằm tránh các hệ thống phòng thủ.
Triều Tiên từng lần đầu phóng thử tên lửa hành trình tầm xa hồi tháng 9.2021, từ đó mô tả các vũ khí này là “chiến lược” tức có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đó.
Người phát ngôn Lee Hyojung của Bộ Thống nhất liên Triều (Hàn Quốc) cáo buộc Triều Tiên leo thang các hoạt động thử vũ khí bất chấp nước này đang lâm cảnh thiếu lương thực và bị cô lập về kinh tế.
Từ hàng chục năm qua, Triều Tiên tố cáo những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn hằng năm là “diễn tập khả năng xâm lược”, trong khi phe đồng minh nói các cuộc tập trận chung này về bản chất là phòng thủ.
Lợi ích từ quan hệ thân cận Hàn - Nhật
Báo Korea Times ngày 24.2 đưa tin sau khi Triều Tiên phóng thử một ICBM ở vùng biển phía đông nước này ngày 18.2, các camera ở Nhật đã thu được hình ảnh những giây cuối của ICBM ấy trước khi nó rơi xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật.
Dựa trên những ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản và đài NHK công bố, các nhà phân tích ở Hàn Quốc đã có thể đánh giá mức độ thành công của cuộc phóng thử đó.
Điều này chứng tỏ Tokyo có thể giúp Seoul hiểu rõ những nguy cơ do Triều Tiên tạo ra, liệu Hàn Quốc có thể làm gì hơn nữa nếu Hàn - Nhật có quan hệ tốt hơn.
Nhưng vấn đề là dù hai nước này có nhiều quan tâm chung, ví dụ lo đối phó những mối đe dọa từ Triều Tiên, những bất đồng trong quá khứ cùng các tranh chấp mới đã khiến hai bên khó thể cải thiện quan hệ, bất chấp sự thúc đẩy của Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ song phương đã thay đổi dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk- yeol, người đã tích cực thúc đẩy tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản, quốc gia mà ông gọi là “đối tác”.
Mức độ đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hiện nay đang vượt quá khả năng một mình đối phó của Hàn Quốc, theo lời Giáo sư Park Won-gon (Đại học Ewha Womans) phát biểu tại diễn đàn do Viện Nghiên cứu Sejong tổ chức ở Hàn Quốc ngày 22.2.
Ông Park nói: “Vài năm qua, Triều Tiên đã cố gắng đa dạng hóa các phương án tấn công bằng vũ khí hạt nhân, như dùng toa xe lửa hoặc hồ chứa nước làm bệ phóng tên lửa, đầu tư vào việc phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn... Tất cả những phương án ấy gây tốn kém rất nhiều tiền bạc của đối phương cho việc phát hiện”.
Báo Korea Times dẫn lời ông Park nói thêm rằng Nhật là một trong những quốc gia có năng lực trinh sát hải quân tốt nhất thế giới với máy bay tuần thám 100 P-3C, có thể giúp Hàn Quốc đối phó vài mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hơn nữa, một số phương tiện quân sự mạnh nhất của Mỹ được đặt tại Nhật, nơi mà chúng có thể được chuyển qua Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Giáo sư Park nhận định có thể hiểu mối quan hệ hợp tác an ninh Hàn - Nhật nằm trong chiến lược răn đe toàn diện của Mỹ, sử dụng mạng lưới đồng minh trên toàn thế giới để đối phó các mối đe dọa chung.
Ông nói thêm rằng nếu Hàn Quốc không hợp tác với Nhật, một thành tố chính trong chiến lược của Mỹ, thì có thể bị xem là bác bỏ chiến lược này và kéo Hàn Quốc ra khỏi sự bảo vệ của mạng lưới đồng minh vào lúc Triều Tiên đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Giáo sư Park nói: “Thời mà Hàn Quốc có thể đạt lợi ích nhiều hơn bằng cách duy trì một sự cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc đã kết thúc. Mỹ, Nhật và nhiều nước khác sẽ củng cố mạng lưới đó dù có Hàn Quốc hay không. Nếu chúng ta không muốn bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta chỉ việc lên tiếng. Nếu đơn giản là chúng ta phớt lờ nó, thì sau này chúng ta có thể đối mặt với một lựa chọn khó hơn về việc tham gia mạng lưới”.
Vụ THAAD cho thấy ai phải trả giá
Sau khi Mỹ dàn hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc hồi năm 2016, Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp trả đũa Seoul, nhưng Washington không can thiệp dù lý do chính của phản ứng từ Bắc Kinh là Trung Quốc xem THAAD như mối họa của Mỹ đối với với an ninh quốc gia.
Vụ việc này cho thấy ai phải trả giá cho cách giải quyết không nhạy cảm về mặt ngoại giao một vấn đề nhạy cảm. Nếu Hàn Quốc lập tức “về phe” với Mỹ mà không suy xét kỹ như bây giờ, thì hậu quả cũng sẽ tương tự, theo ông Kim Joon-hyung, Giáo sư Khoa Quan hệ đối ngoại ở Đại học Toàn cầu Handong và là cựu Viện trưởng Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc.
Ông Kim nói câu hỏi cơ bản mà các chính khách Hàn Quốc nên đặt ra, là liệu Hàn Quốc sẽ an toàn hơn với một Nhật Bản mạnh mẽ về quân sự và sẽ tăng chi quốc phòng lên gấp đôi trong 5 năm tới, vì sự hợp tác an ninh Hàn - Nhật sẽ giúp Nhật mở rộng vai trò là một thế lực quân sự cấp toàn cầu.
Giáo sư Kim nói, theo quan điểm của Mỹ, mục đích thật của việc củng cố hợp tác 3 bên (Mỹ, Nhật, Hàn) là nhằm đối phó Trung Quốc chứ không phải Triều Tiên. Nếu Triều Tiên củng cố quan hệ với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với khối hợp tác 3 bên do Mỹ dẫn đầu, thì việc này có thể gây phương hại cho Hàn Quốc vốn là một quốc gia dựa vào thương mại.
Ông kết luận: “Chúng ta không nên ở vị trí đầu trong cuộc xung đột đó. Thay vào đó, chúng ta nên học tập các nước khác, chẳng hạn Ấn Độ đã hưởng lợi từ cả hai phía vào lúc Mỹ - Trung căng thẳng bằng cách tận dụng ưu thế của vai trò là một thành viên QUAD (diễn đàn đối thoại an ninh chiến lược giữa Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ)”.