Thủ tướng: Tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp trong xây dựng nhà ở xã hội

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:32, 24/02/2023

Thủ tướng yêu cầu có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư; tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho người dân.

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại.

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cần bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và nhà đầu tư; công khai, thống nhất với quy định của Luật Đất đai đang sửa đổi; tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký văn bản báo cáo giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn (giảm 354.500 căn so với mục tiêu của đề án trước đó là 1.416.700 căn). Theo đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội.

tt-2.jpg
Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030

Giải trình về nguồn lực để thực hiện đề án, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách nhà ở xã hội (đang trình xin chủ trương của Chính phủ) được xây dựng theo hướng hạn chế nguồn lực từ Nhà nước, tăng cường nguồn lực đầu tư xã hội hóa và có các chính sách ưu đãi theo pháp luật về nhà ở để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc cân đối ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về ngân sách, về đầu tư công do địa phương chủ động. Do vậy, các địa phương có thể căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để cân đối nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trên cơ sở điều chỉnh mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng xin tiếp thu ý kiến và điều chỉnh nguồn lực thực hiện đề án theo hướng: "Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỉ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội".

Nói với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030 không hề đơn giản. Những vướng mắc chính có thể kể đến như vấn đề quỹ đất, thủ tục, nguồn vốn ưu đãi…

“Bộ Xây dựng phải phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và tất cả các địa phương để giải quyết vấn đề quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đơn giản về thủ tục pháp lý. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Ví dụ Singapore lãi suất chỉ khoảng 2%”, ông Nhân nêu.

Sơn Lam