Lãi suất huy động có thể đạt đỉnh ở quý 1 và giảm dần từ quý 2/2023
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:18, 15/02/2023
Lãi suất giảm dần từ quý 2/2023
Lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023. Tính đến cuối tháng 1, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh lần lượt là 7,4% và 8,2%.
Lý do VNDIRECT đưa ra là thị trường dự báo đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất của Fed ở mức 5,25%, tương đương với hai lần tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào cuộc họp tháng 3 và tháng 5 tới. Theo đó, áp lực lên tỷ giá VNĐ có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023 khi Fed ngừng tăng lãi suất điều hành.
“Chúng tôi duy trì quan điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 và tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối”, VNDIRECT nêu.
Theo đó, nhu cầu tín dụng chậm lại do nhiều doanh nghiệp có thể hoãn mở rộng sản xuất kinh doanh vì lo ngại tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VNDIRECT nhận định.
Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng NHNN nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.
Do đó, VNDIRECT cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai. Hiện NIM bình quân của các ngân hàng thương mại Việt Nam vào khoảng 3,2 - 3,4%, khá cao so với ngân hàng thương mại các nước trong khu vực như Thái Lan (NIM bình quân từ 2,7 - 3%), Malaysia (2 - 2,3%), Trung Quốc (~2%), Singapore (~1,6%).
Áp lực lạm phát đang gia tăng
VNDIRECT cho rằng áp lực lạm phát đang gia tăng đúng như dự đoán.
Cụ thể, CPI tăng mạnh 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá thực phẩm và đồ uống tăng. CPI nhóm lương thực và thực phẩm tăng 0,8% so với tháng trước trong khi CPI nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết. CPI nhóm giao thông tăng 1,4% so với tháng trước do giá xăng dầu trong nước hồi phục vào tháng 1.2023.
Tính theo năm, CPI của Việt Nam trong tháng 1.2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 3.2020.
“Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023”, VNDIRECT nói.
Về nguyên nhân, ở phía cầu, đơn vị này cho biết kỳ vọng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng 8,5 - 9,0% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức 19,9% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Ngoài ra, Quốc hội đã quyết định tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng 20,8%, có hiệu lực từ ngày 1.7.2023. Quốc hội cũng đã thông qua việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng như người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, cán bộ y tế cơ sở…
“Thông thường khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ”, VNDIRECT.
Về phía cung, VNDIRECT cho rằng mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến quý 3/2023.
Ngoài ra, chi phí nợ cao hơn so với cùng kỳ có thể được chuyển vào giá bán lẻ cho người dùng cuối. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu như điện, y tế, học phí trong năm nay.
Cụ thể hơn, giá điện bán lẻ sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng vào năm 2023 do chi phí sản xuất tăng (tỷ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng gồm than, khí…).
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương 28,2%).
“Chúng tôi giữ nguyên dự báo về lạm phát bình quân năm 2023 là 3,8% so với cùng kỳ, dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Chất xúc tác giảm cho CPI năm 2023 có thể là nhu cầu thấp hơn dự kiến tại các thị trường phát triển trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Rủi ro tăng giá có thể là sự phục hồi nhu cầu mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng lên”, VNDIRECT nêu.
Dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,2%
VNDIRECT giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam ở mức 6,2% trong năm 2023. Rủi ro đối với dự báo của của VNDIRECT đến từ lạm phát cao hơn kỳ vọng do việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một biến số đối với lạm phát toàn cầu trong năm 2023; tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn dự báo và gây áp lực lên lạm phát trong nước.
Ngoài ra, chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Theo VNDIRECT, các thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào kịch bản Fed chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó, chẳng hạn lạm phát cao hơn dự báo hoặc tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến, thì có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.
“Điều này có thể khiến chỉ số DXY mạnh lên và gây thêm áp lực lên tỷ giá VNĐ”, VNDIRECT nhận định.
Thêm vào đó, VNDIRECT cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn sẽ tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu của Việt Nam.
“Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi dựa trên giả định kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị tác động xấu hơn”, VNDIRECT nêu.