Vì sao bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:09, 06/02/2023
Tổng cục Thuế ngày 6.2 cho biết các hình thức hóa đơn điện tử thông thường triển khai trong thời gian qua chưa đáp ứng tốt cho một số hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, giá trị của từng hóa đơn không nhiều nhưng số lượng hóa đơn rất lớn như: hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vui chơi giải trí, siêu thị... Vì vậy, ngành thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15.12.2022.
Tính đến ngày 31.1.2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,838 tỉ hóa đơn điện tử (trong đó 753,46 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,085 tỉ hóa đơn điện tử không mã). Sau hơn 1 tháng triển khai, đã có 62/63 cục thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3.2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh. Trong số 62 cục thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1 thì đã có 25 cục thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Trong số 3.943 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1, đã có 805 cơ sở kinh doanh đã chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế. Tổng số hóa đơn điện tử đang sử dụng của 3.943 cơ sở kinh doanh là 85.387.372 hóa đơn điện tử, trong đó có 544 hóa đơn điện tử là từ máy tính tiền đã được gửi đến hệ thống của cơ quan thuế. Tuy nhiên, 805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác nên việc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền còn chưa nhiều.
Tổng cục Thuế cho rằng số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử thông thường sang hình thức hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Theo cơ quan này, nguyên nhân khiến số lượng các đơn vị kinh doanh áp dụng hình thức này còn thấp là quy định hiện hành vẫn cho phép một cơ sở kinh doanh đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử. Nguyên do các cơ sở kinh doanh cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời tăng cường các biện pháp để quản lý doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, ngoài các giải pháp cụ thể, Tổng cục Thuế cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tạo sự đồng thuận trong việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tạo thói quen tiêu dùng văn minh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phối hợp tích cực với Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc tham gia cung cấp tài khoản của người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế có tài khoản ngân hàng. Về mặt chủ trương, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ chiến lược ngành thuế hướng tới là sử dụng công nghệ, số hóa nền tài chính.
Hà Nội là một trong 25 địa phương đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Hiện nay, Cục Thuế TP.Hà Nội đang triển khai sơ đồ hóa các hộ kinh doanh trên địa bàn. Giai đoạn tới cục sẽ đưa lên mạng công nghệ thông tin với mục tiêu có thể tra cứu được, từ đó giúp minh bạch trong quản lý thuế, và giúp người dân, cơ quan quản lý có thể giám sát được.
Theo Tổng cục Thuế, các giải pháp về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng là vô cùng gian nan và là xu thế trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy Luật Quản lý thuế đã quy định, song việc triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh hiện nay mới chỉ dừng lại ở động viên, khuyến khích chứ chưa bắt buộc. Do vậy, để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần đảm bảo tính pháp lý về vấn đề này trong các văn bản.
Về công cụ cho cơ quan nhà nước thực hiện, giới chuyên gia cho cần ban hành tiêu chuẩn lưu hành của các máy tính tiền đảm bảo tính khả thi và bảo mật... Cơ quan thuế cũng cần đảm bảo mỗi người dân có một mã số thuế đúng, kịp thời, quản lý và sẵn sàng kết nối, chia sẻ được. Trước mắt, phía Bộ Công an đề xuất chia làm 3 nhóm dữ liệu, trong đó, nhóm dữ liệu hằng ngày phát sinh sẽ đưa vào kết nối luôn; nhóm dữ liệu đã yên tâm, sạch, có thể đưa vào kho dữ liệu chung; nhóm cần xác minh lại dữ liệu, cần đưa ra lộ trình để xác thực. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ có một kho dữ liệu lớn về thuế, từ đó sẽ xây dựng được các giải pháp quản lý để chống thất thu thuế tối đa.
Tổng cục Thuế cho biết hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có các lợi ích như: khắc phục tình trạng không thể xuất hóa đơn điện tử ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya, do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định. Đồng thời, người nộp thuế chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường.
Tại một địa điểm bán hàng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền theo quy định để xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để tham gia dự thưởng. Nếu người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử có mã thông thường thì việc xuất hóa đơn sẽ không được nhanh chóng.
Để triển khai thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, Tổng cục Thuế đã xây dựng, công bố thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, phương thức truyền, nhận với cơ quan thuế theo quy định.
Đồng thời, Tổng cục chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ đối tượng thực tế trên địa bàn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án triển khai kết nối thông tin từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ, cá nhân kinh doanh để báo cáo Tổng cục Thuế trình Bộ Tài chính phê duyệt sau khi thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện...