Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu quy định thù lao tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:49, 05/02/2023
Bộ Tài chính “nhường” Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu
Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu sau khi phía Bộ Công Thương có dự thảo Nghị định lần 2. Quan điểm của Bộ Tài chính là sửa Nghị định theo hướng giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Công Thương đảm nhận hết phần việc của Bộ Tài chính đang làm hiện nay. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Hiện, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu (chiết khấu - PV) đại lý bán lẻ xăng dầu đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu. Tránh tình trạng có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
"Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua hàng của các công ty phân phối khác về xăng dầu", Bộ đề xuất.
Đặc biệt, tại văn bản góp ý, Bộ Tài chính cho biết Bộ Công Thương nhận định một trong những nguyên nhân khiến thị trường, nguồn cung xăng dầu bất ổn là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ...
"Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo tờ trình Thủ tướng", văn bản nêu rõ.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở).
Vì vậy, với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoan nghênh văn bản của Bộ Tài chính
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu cho đại lý bán lẻ xăng dầu để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ, ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu cho thấy Bộ Tài chính đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ thực hiện đúng tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
TS Giang Chấn Tây đánh giá đây là một quyết định rất phù hợp với tình hình kinh doanh xăng dầu đang bất ổn hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Tây, điều này cũng thể hiện tính nhất quán trong việc góp phần điều hành thị trường được ổn định và minh bạch hơn, cũng như giữ đúng với quan điểm trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước đây là: “Cho dù có cho chi phí 10.000đ/l mà không phân chia rõ ở các khâu trung gian thì thị trường xăng dầu vẫn bất ổn”.
Ông Giang Chấn Tây cũng cho rằng văn bản này Bộ Tài chính là một phần cơ sở pháp lý quan trọng đã làm cho hàng ngàn doanh nghiệp bán lẻ rất phấn khởi và tin tưởng vào một Nghị định sẽ được Chính phủ sửa đổi ban hành một cách căn cơ và khoa học, nhằm giải quyết vấn đề quan trọng mà hệ thống kinh doanh xăng dầu đang gặp phải nhiều khó khăn bất ổn.
“Căn cơ ở chỗ là vẫn giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Cụ thể, phần chiết khấu (thù lao) tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của hệ thống được ổn định phục vụ nhu cầu cần thiết cho xã hội và phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Phần chiết khấu còn lại là phần mềm là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần. Đây chính là phần thị trường”, ông Tây nêu.
Nếu muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, ông Giang Chấn Tây khẳng định không có cách nào khác là Nhà nước phải quy định mức chiết khấu tối thiểu. Theo ông Tây, để thị trường xăng dầu ổn định cần phải có chiết khấu cố định cho khâu bán lẻ 5%-6% trên giá bán lẻ tùy theo thời điểm.
“Có như vậy thì mới đảm bảo để doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động xuyên suốt trong mọi trường hợp ở mọi mức giá xăng dầu của thế giới biến động tăng hay giảm”, ông Tây nói.
Lý giải lý do của đề xuất này, ông giải thích rằng dù cho dù là doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 nơi như Bộ Công thương đã thống nhất trình Chính phủ thì không ai có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp bản lẻ hoạt động ổn định trong mọi trường hợp. Bởi vì, các nhà cung cấp có thể bắt tay ngầm với nhau để hạ chiết khấu xuống thấp và khi đó mức chênh lệch quanh quẩn chỉ vài chục đồng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà chiết khấu dưới điểm hòa vốn không đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.
Cũng theo ông Tây, điều quan trọng là cần phải quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là một công cụ để quản lý “hàng hóa đặc biệt” nhằm làm cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc được ổn định, nếu không quy định sẽ xảy ra tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn thì lại xảy ra bất ổn thị trường và khi đó doanh nghiệp bán lẻ lại tiếp tục phản ứng.
Ông Tây cũng đề xuất, nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá. Điều này nhằm để đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào đủ và đúng trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường, nếu không sẽ giống như người khác đi chợ mà người ở nhà quyết định giá và lại xảy ra tình trạng xin-cho chi phí. Điều này trái với quy luật hoạt động kinh doanh.