Cách thức khí cầu do thám hoạt động
Quốc tế - Ngày đăng : 08:10, 05/02/2023
Giới chức Mỹ phản ứng rất gay gắt. Phía Trung Quốc lại tuyên bố đây là khí cầu phục vụ công tác theo dõi khí tượng dân sự cùng các mục đích khoa học khác, lấy làm tiếc khi vật thể này lại “đi lạc” vào không phận Mỹ.
Dùng khí cầu tầm cao để do thám hay thực hiện nhiệm vụ quân sự khác là hoạt động đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Trong Thế chiến thứ 2, quân đội Mỹ bắt đầu khám phá việc dùng khí cầu do thám ở tầm cao - dẫn đến sự ra đời của dự án Genet: chụp ảnh lãnh thổ Liên Xô vào những năm 1950.
Khí cầu như vậy thường hoạt động ở độ cao 24.000 - 37.000 mét, cao hơn nhiều so với độ cao của máy bay chở khách thương mại (thường chỉ ở 12.000 mét). Chiến đấu cơ thường cũng không hoạt động ở độ cao trên 19.000 mét. Máy bay do thám như chiếc U-2 có độ cao hoạt động tối đa 24.000 mét hoặc hơn.
Một báo cáo năm 2019 của Trường Chỉ huy và Tham mưu Không quân Mỹ chỉ ra lợi thế khi dùng khí cầu thay vì vệ tinh là quét được vùng lãnh thổ rộng lớn ở khoảng cách gần hơn, dành được nhiều thời gian cho một khu vực mục tiêu hơn. Việc phóng vệ tinh cũng đòi hỏi tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho tên lửa phóng, trong khi dùng khí cầu rẻ hơn nhiều.
Theo một nghiên cứu năm 2005 của Viện nghiên cứu Sức mạnh trên không (không quân Mỹ), khí cầu tuy không thể điều khiển trực tiếp nhưng có thể được dẫn đường sơ bộ đến khu vực mục tiêu bằng cách thay đổi độ cao để đón các luồng gió khác nhau.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ nước này đã theo dõi nhiều khí cầu do thám trong vài năm gần đây.