Trái đất đang trên đà nóng lên hơn 1,5 độ C trong thập kỷ tới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:45, 31/01/2023
Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán các mốc thời gian nóng lên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học bang Colorado (Mỹ) nhận thấy rằng nhiệt độ tăng lên mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp có thể sẽ bị vượt qua trong thập kỷ tới. Nghiên cứu cũng cho thấy Trái đất đang trên đà tăng nhiệt độ vượt quá 2 độ C, với 50% khả năng đạt được mức chuẩn nghiêm trọng vào giữa thế kỷ này.
Nhà khoa học khí hậu của Đại học Stanford, ông Noah Diffenbaugh, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi có bằng chứng rất rõ ràng về tác động đối với các hệ sinh thái khác nhau từ sự nóng lên toàn cầu ở mức 1 độ C đã xảy ra. Nghiên cứu mới này, sử dụng một phương pháp khác, bổ sung thêm bằng chứng rằng chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thay đổi liên tục của khí hậu làm gia tăng những tác động tiêu cực".
Bằng cách sử dụng AI nhận biết các mối quan hệ trong tập hợp dữ liệu khổng lồ, các nhà khoa học đã đào tạo hệ thống để phân tích một loạt các mô phỏng mô hình khí hậu toàn cầu và sau đó yêu cầu hệ thống xác định các mốc thời gian cho các ngưỡng nhiệt độ nhất định.
Mô hình đã tìm thấy gần 70% khả năng ngưỡng 2 độ C sẽ bị vượt qua trong khoảng thời gian từ năm 2044 - năm 2065, ngay cả khi lượng khí thải giảm nhanh chóng. Để kiểm tra khả năng dự đoán của AI, họ cũng đã nhập các phép đo và yêu cầu hệ thống đánh giá mức độ nóng hiện tại đã được ghi nhận. Sử dụng dữ liệu từ năm 1980 - năm 2021, AI đã xác định chính xác cả mức tăng 1,1 độ C đạt được vào năm 2022 cũng như các mô hình và tốc độ quan sát được trong những thập kỷ gần đây.
Hai tiêu chuẩn nhiệt độ, được coi là điểm khủng hoảng theo Thỏa thuận Paris của Liên Hợp Quốc, tạo ra những kết quả rất khác nhau trên toàn thế giới. Hiệp ước mang tính bước ngoặt, được gần 200 quốc gia ký kết, cam kết duy trì nhiệt độ dưới 2 độ C và công nhận rằng mục tiêu tăng 1,5 độ C "sẽ làm giảm đáng kể rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu".
Nhiệt độ nóng lên nửa độ nghe có vẻ không nhiều, nhưng các tác động gia tăng là theo cấp số nhân, tăng cường một loạt các hậu quả đối với các hệ sinh thái trên khắp thế giới cũng như con người, thực vật và động vật phụ thuộc vào chúng. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một nhóm các nhà khoa học toàn cầu được thành lập để đánh giá khoa học về biến đổi khí hậu cho Liên Hợp Quốc cho biết chỉ cần một phần nhỏ của mức độ nóng lên sẽ làm tăng số mùa hè ở Bắc Cực không có băng lên gấp 10 lần. Sự khác biệt giữa 1,5 độ C và 2 độ C cũng dẫn đến lượng môi trường sống bị mất gấp đôi đối với thực vật và gấp 3 lần đối với côn trùng.
Sự thay đổi này cũng sẽ thúc đẩy sự gia tăng nguy hiểm của các thảm họa. Một thế giới ấm hơn sẽ gây ra nhiều đợt hạn hán và lũ lụt. Theo IPCC, các đợt nắng nóng gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và phổ biến hơn, xảy ra thường xuyên hơn 5,6 lần ở mức tăng 2 độ C.
Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã cảnh báo về khả năng gần như không thể tránh khỏi khi nhiệt độ vượt qua 1,5 độ C, nhưng nghiên cứu mới đã đưa ra một trường hợp thậm chí còn cấp bách hơn để hạn chế khí thải và thích ứng với các tác động đang bắt đầu diễn ra.
Diffenbaugh cho biết: "Mô hình AI của chúng tôi cho thấy đã có đủ sự nóng lên đến mức 2 độ C có khả năng bị vượt quá nếu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong nửa thế kỷ nữa. Các cam kết phát thải bằng ròng bằng 0 thường được đóng khung xung quanh việc đạt được mục tiêu tăng 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris".
Song ông Diffenbaugh nhấn mạnh vẫn còn thời gian để ngăn chặn sự leo thang của nhiệt độ. "Việc quản lý những rủi ro này một cách hiệu quả sẽ đòi hỏi cả việc giảm thiểu và thích ứng với khí nhà kính. Việc ổn định hệ thống khí hậu sẽ đòi hỏi phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Có rất nhiều khí thải trên toàn cầu và đó là vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết".