Ký sự ra đảo Thạnh An ngày Tết: Giữa trưa đi đào hàu về nhậu
Du lịch - Ngày đăng : 10:07, 25/01/2023
Ký sự ra đảo Thạnh An ngày Tết: Phải làm sao khi thuyền chết máy giữa biển?
Ngày lễ Tết người dân xã đảo Thạnh An cũng treo cờ đầy khí thế trên con đường dẫn từ bến cảng vào trung tâm đảo. Có thể dễ dàng quan sát đường ở đây rất sạch sẽ do ý thức tốt của người dân, nhất là trong những ngày Tết. Đường đi rất vắng vẻ trong ngày Tết nhưng thực ra không khí xuân thì rất nhiều từ tiếng nhạc Tết ở mỗi ngôi nhà. Trong nhà, người dân cũng bày sẵn mâm cỗ ngày xuân.
Đường vắng vẻ phần lớn là do không thấy bóng các bạn trẻ đi phượt trên đảo thường đông đúc vào những ngày thường. Hàng quán hải sản vẫn mở hai bên đường nhưng không nhiều và có lẽ chỉ mở lấy ngày, phục vụ người dân trên đảo vì ngày này thì du khách hầu như không có.
Phương tiện chính bà con di chuyển trên đảo không gì tiện hơn là xe máy, xe đạp và xe đạp điện..., nói chung là xe hai bánh. Có thể bạn nghĩ rằng trên đảo không có cảnh sát giao thông thì đi xe chắc không cần đội mũ nón bảo hiểm...
Nhưng ý thức giao thông của người dân trên đảo rất tốt. Họ vẫn đội mũ nón báo hiểm đầy đủ. Trong suốt chuyến đi không hề nghe thấy tiếng nẹt pô trong ngõ hay những tiếng còi xe chát chúa.
Trung tâm đảo là trụ sở Hội đồng nhân dân thường sầm uất nhưng giờ cũng rất vắng người.
Các cơ sở thờ tự trên đảo khá nhiều. Điều này dễ hiểu vì dân trên đảo vốn là dân đi biển nên họ có niềm tin mãnh liệt sẽ được phù hộ gặp bình yên.
Đi vào sâu trong đảo thì sẽ thấy không khí xuân ở từng công trình công ích khang trang mà có lẽ nhiều phường xã trong đất liền cũng chưa bằng. Trong ảnh là cổng ngoài trung tâm văn hóa của xã Thạnh An. Xã có riêng cả 1 trường tiểu học và 1 trường THCS - THPT.
Điều mà người ngoài thích ở đảo Thạnh An là ăn hải sản và đi ra con đường đá ôm ven biển sau đảo. Con đường đá này một bên là biển, một bên là rừng ngập mặn, một tai nghe sóng biển, một tai có thể nghe chim hót.
Rừng cây mặn này phía dưới là bùn lầy nên vì thế không bị các phượt thủ xuống hỏi thăm check-in nên vẫn giữ vẻ tự nhiên.
Khi đi đủ xa thì bạn sẽ không còn nghe thấy tiếng gà, tiếng chó của nhà dân nữa. Lúc đó sẽ chỉ còn tiếng sóng biển.
Thậm chí, bạn có thể thấy cua ghẹ ở những mỏm đá ven biển. Điều đáng buồn là rác biển vẫn khá nhiều nên đánh mất vẻ hoang sơ tự nhiên.
Và sự xuất hiện của những sinh vật giáp xác nhỏ ven biển chính là lời mời gọi các loài chim đến kiếm ăn. Chim có thể làm tổ ở những khóm rừng ngập mặn quanh đó. Chỉ một khu vực nhỏ nhưng cũng có hệ sinh thái của riêng nó.
Điều mà các bạn trẻ thường rất thích khi đi check-in tại Cần Giờ là xuống các bãi đá nhô ra biển.
Tuy nhiên, đừng dại mà đi chân trần vì đá có các mảnh vỏ hàu rất sắc bén. Không phải dân đảo thì sẽ dễ gặp tai nạn khi đi chân trần ra bãi đá.
Còn dân đảo thì họ đã quá quen với địa hình tại đây nên việc đi chân trần không gặp vấn đề gì.
Giữa trưa, họ cặm cụi vác dao lật đá ra để tìm hàu.
Điều tôi thắc mắc là tại sao họ không đi buổi sớm cho đỡ vất vả. Hỏi chuyện thì họ cho biết mang đi kiếm hàu về nhậu chứ không phải đem bán vì hàu ở đây nhỏ, đâu bán được. Chắc lại có khách đến chơi giữa trưa muốn ăn hàu mà chợ chưa mở nên ra biển kiếm đỡ một xô đây.
Từ bãi đá nhìn lại hai người dân mang xô hàu về và mảng rừng trên đảo Thạnh An thì thấy cuộc sống ở đây thật bình yên.
Hiện nay trên đảo cũng có nhiều dịch vụ khác như chèo thuyền Kayak, câu cá... Sẽ vui hơn nếu ở lại đảo một đêm để thưởng thức thêm các loại hải sản, ngắm bình minh hay hoàng hôn. Trên đảo tuy không có khách sạn nhưng vẫn có các nhà nghỉ bình dân, wifi sóng sánh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, là ngày Tết nên sớm về lại thành phố vẫn hay hơn là cảm giác làm du khách lẻ loi. Mục đích chính như nói ở đầu kỳ 1 là đầu năm ra đảo Thạnh An với mong muốn năm mới thịnh vượng và an khang (chữ "thạnh" có ý nghĩa như chữ "thịnh"), thì coi như cũng đã đạt được.
Nằm trên tàu chờ xuất bến không cần quạt hay điều hòa nhưng vẫn mát lạnh nhờ gió biển. Chuyến trở về không bị sự cố chết máy như lượt đi buổi sáng. Khi về đến nhà thì thành phố còn chưa lên đèn. Thạnh An tưởng xa nhưng rất gần.