FAO: Khủng hoảng lương thực, giá cả tăng cao khiến nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói

Quốc tế - Ngày đăng : 16:05, 24/01/2023

Ngày càng có nhiều người ở châu Á không đủ lương thực để ăn khi tình trạng bất ổn lương thực gia tăng và tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng.
thieu-an.jpg
Người nghèo ở Ấn Độ chờ được phát bữa ăn miễn phí - Ảnh: Star & Tripes

Theo tóm tắt từ báo cáo công bố ngày 24.1 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc công bố hôm 24.1, gần nửa tỉ người, hơn 8/10 người trong số họ ở Nam Á, bị suy dinh dưỡng vào năm 2021 và hơn 1 tỉ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ trung bình đến nghiêm trọng. Đối với thế giới, tỷ lệ mất an ninh lương thực phổ biến đã tăng lên hơn 29% vào năm 2021 từ mức 21% vào năm 2014.

Đại dịch COVID-19 là một bước lùi lớn, gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và mất việc làm hàng loạt, đồng thời cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá lương thực, năng lượng và phân bón lên cao, khiến hàng triệu người không thể tiếp cận được chế độ ăn uống đầy đủ.

Báo cáo này là bản kiểm kê hàng năm lần thứ năm về tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói do các cơ quan của Liên Hợp Quốc thực hiện bao gồm FAO, UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Lương thực Thế giới.

Trong 5 năm qua, nỗ lực xóa đói và suy dinh dưỡng bị đình trệ vì ngày càng có nhiều người mất phương tiện để kiếm thu nhập. Tỷ lệ suy dinh dưỡng do các cơ quan của Liên Hợp Quốc đo lường là 9,1% vào năm 2021, tốt hơn so với mức 14,3% vào năm 2000 nhưng tăng nhẹ so với năm 2020.

Báo cáo của FAO nêu các số liệu này cho thấy “sự chậm lại trong công cuộc xóa đói vẫn đang diễn ra”, nhấn mạnh tình trạng bất ổn lương thực ngày càng gia tăng mà những người chuyển đến thành phố phải đối mặt, nơi họ khó tiếp cận thực phẩm giá cả phải chăng hơn.

Báo cáo viết: “Điều cần làm là cải cách hệ thống nông nghiệp - lương thực để sản xuất thức ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng lành mạnh”.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhập khẩu lương thực trị giá gần 2 ngàn tỉ USD/năm. Giá các mặt hàng cơ bản như gạo, lúa mì và dầu tăng cao ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo. Cuộc xung đột ở Ukraine đã giáng một đòn nặng nề vào các quốc gia phụ thuộc vào khu vực này để có lúa mì, dầu ăn và phân bón.

Gần 2 tỉ người - tức gần 45% dân số sống ở châu Á - không thể tiếp cận nguồn dinh dưỡng lành mạnh, càng góp phần vào những vấn nạn như béo phì, thiếu máu và đói.

Do tác động của dịch COVID-19 vốn gây tổn thất cho người lao động và các ngành sản xuất, du lịch, cứ 10 người Thái Lan thì gần 1 người bị suy dinh dưỡng từ năm 2019 đến 2021, theo dữ liệu trong báo cáo. Đây là một tỷ lệ cao hơn so với nhiều năm trước đó và cũng cao hơn so với nhiều nước Đông Nam Á có thu nhập trung bình thấp hơn. Tỷ lệ nghèo đã tăng 2,6% từ năm 2015 đến 2018, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Các thông tin khác trong báo cáo gồm 70% dân Afghanistan đang đối mặt sự bất ổn lương thực từ mức nhẹ đến nặng, khi nền kinh tế đã sụp đổ sau khi Taliban nắm quyền lực hồi tháng 8.2011, khiến hàng triệu người lâm cảnh đói nghèo do nguồn viện trợ nước ngoài hầu như đã ngưng hẳn.

Bảo Vĩnh