Không gian thiêng của người Việt
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:00, 22/01/2023
“Con người hiện đại đưa vật chất lên hàng đầu và hy sinh cái tâm linh cho kinh tế. Nó thích phúc lợi hơn sức mạnh và niềm vui. Nó từ bỏ đất đai tổ tiên và những bạn bè xoàng xĩnh, động vật, để sống giữa đám dân không hồn là máy móc... Nó vi phạm tất cả các quy luật của sự sống mà không hề tự nghi ngờ” (A. Carrel) - Và đó không phải là sự cảnh cáo của chỉ một người.
Các nơi sinh sống của người Việt giờ trơ trọi quá, hối hả và lạnh lùng. Làm nhớ về những không gian thiêng liêng mà những bậc tiên tổ đã giữ cho người Việt nở hoa từ gốc rễ mỗi mùa xuân đến.
Hình thành tính thiêng
Trong lịch sử loài người, khi chủ nghĩa duy lý chưa ra đời và chưa chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh con người rất dễ được nhận thấy, thậm chí nó thâm nhập tất cả các mặt đời sống khác của con người. Nhớ hồi còn thơ bé xung quanh tràn ngập không gian thiêng, cái đầm rộng, đoạn sông chảy xiết, cây đa đầu làng, tảng đá mồ côi vệ đường... mang tính thiêng bởi con người trao cho nơi chốn đó những vị thần bảo hộ.
Mỗi người - không biết từ lúc nào, nhưng chắc chắn là từ khi có ý thức về mình - không coi sự ra đời của mình như một ngẫu nhiên, mà như một tất yếu thông linh với vũ trụ, và cái mà chúng ta gọi là tính thiêng phải chăng bắt nguồn từ tiềm thức về con người và tự nhiên bao chứa.
Thời điểm chúng ta ra đời trong vũ trụ là thiêng liêng, thời gian thiêng (temps sacré), và điểm không gian nơi chúng ta ra đời cũng là thiêng liêng, không gian thiêng. Không gian thiêng là nơi “đứt đoạn” trong không gian thuần nhất của vũ trụ, và cuộc sống thực sự của mỗi người hòa cùng đất trời cũng chỉ bắt đầu ở “không gian thiêng” ấy, như một “chốn thiêng cố định”, hơn nữa “chốn đi về” xác quyết định mệnh và những bước đi sau đó. “Không gian thiêng” vì thế, nói như M.Eliade, được đặt lên cao hơn và khác về chất so với những nơi chốn khác.
Ngay trong kinh nghiệm đời thường, không gắn liền với tôn giáo, mỗi người đều có thể cảm nhận sự khác biệt của nơi diễn ra các sự kiện đáng ghi nhớ nhất trong đời (ngôi nhà của mẹ, đồng bãi quanh làng, con phố nhỏ nơi có mối tình đầu...).
Với người tâm linh, sống với cái thiêng thì những nơi linh thiêng nhất là “đất thánh”, được coi là nơi “hiển linh”, là nơi người ta “thánh hóa” nó. Một ngọn núi, một khúc sông tự nó được coi là thiêng vì đó là nơi hiển thánh. Và một ngôi nhà, nơi người ta sinh ra, cũng là nơi thiêng theo lối “thánh hóa” cá nhân và của chính gia đình ấy. Xét đến cùng, cư trú ở một vùng đất có nghĩa là thánh hóa nó, để sự cư trú không còn là tạm bợ, được bao bọc những cộng đồng tương thân, những gia đình chung lưng đấu cật, những con người chia sẻ cuộc đời cho trường tồn con cháu.
Không gian thiêng như một vĩnh hằng đòi hỏi như một quyết định sống còn để bảo đảm sự tồn tại của toàn bộ cộng đồng. Làm người khi “ở trong một vùng đất” là một sự lựa chọn tồn tại, lựa chọn một vũ trụ quan và những không gian thiêng do thần thánh tạo ra và cư ngụ ở đó. Con người qua nghi lễ tự trao cho mình quyền được tham dự vào cõi thần thánh, những công việc của thần thánh với niềm thành kính tự hào. Đó là sự khởi đầu tính thiêng của mỗi người, của “cái tôi” bên cạnh “cái siêu tôi” khi tham dự những tế lễ ở đình làng, những cúng giỗ liên miên của dòng họ, những kiêng kỵ của tín ngưỡng phù thủy, những chập chững đến chùa làng cùng mẹ.
Gia đình là nơi chốn thiêng liêng
Những “không gian thiêng” chính là những “trung tâm thế giới” của mỗi người, rộng lớn như một vùng đất hay một thành phố, hoặc gần gũi nhất là ngôi nhà nơi sinh ra, và cũng vì đó là điểm duy nhất trong vũ trụ, hay ít ra là nơi bắt đầu của mối liên hệ thiêng liêng con người và vạn vật. Vì thế, việc tạo dựng gia đình và những ngôi nhà “chôn rau cắt rốn” của các thế hệ tiếp theo nhau là một công việc thiêng liêng, thường kèm theo những nghi thức mang tính tôn giáo.
Với người Việt, văn hóa tâm linh (lấy cái thiêng liêng làm giá trị cao nhất) tràn đầy tín ngưỡng với cội nguồn quê hương, gia đình và đồng loại như một chốn nương về. Sự gắn bó máu thịt với gia đình trở thành nội lực mãnh liệt để con người dấn thân và không chần chừ hy sinh cho gia đình - là một bí ẩn của người Việt (Tết đã về đến hiên nhà, lòng vẫn nhớ về sự ra đi tức tưởi trong container giá lạnh của 39 người thanh xuân Việt năm nao, phần lớn họ hy sinh cho gia đình).
Làm người Việt và những đức tính nhân bản, vị tha, bươn chải vì gia đình chỉ có thể nảy nở trong bầu khí chân thực của cộng thể gia đình, tạo lập trong ngôi nhà của họ. Người Việt biết cách đặt nền tảng gia đình để cho tình người nhu nhuận, thuận hòa mọi nhẽ và trên hết, tạo môi sinh thích hợp cho từng cá thể. Gia đình Việt là chốn đi để trở về trong bầu không khí thuận lợi nhất đối với con người. Con người Việt vì thế lấy sự san sẻ dẫn hướng đi, lấy sự hy sinh cho cha mẹ, người thân làm hạnh phúc. Hàng ngàn năm lịch sử, họ sống trong gia đình cộng cảm và cùng với những cộng đồng tương thân, cũng chính là căn tính Việt.
Sự thờ cúng tổ tiên trong những ngôi nhà Việt gợi về văn hóa tâm linh trên một bình diện rộng lớn hơn và cũng sâu xa hơn: nhà ở là một trong những không gian thiêng (espace sacré) của con người, như Mircea Eliade, nhà sử học rất nổi tiếng về các tôn giáo nói. Đây không phải chỉ là do sự thiêng liêng của mối quan hệ giữa tổ tiên và con cháu như trong sự thờ cúng tổ tiên mà là sự thiêng liêng của mối quan hệ giữa con người và vũ trụ.
Cảm thức văn hóa tâm linh này được thấy rất rõ ở nông dân đồng bằng Bắc bộ. Việc thờ cúng thần linh, các vị thần môi giới giữa con người và Thượng đế cai quản vũ trụ là rất phổ biến trong những ngôi nhà ở đồng bằng Bắc bộ. Ở đó, người ta thờ cúng các thần Thổ địa, thần Bếp (Táo quân) như một lẽ đương nhiên. Và không chỉ các thần linh trong nhà, người ta còn thờ cúng những thần linh ở bên ngoài ngôi nhà, trong vườn, trong sân, một dấu vết có lẽ có nguồn gốc từ sự thờ cúng vật linh (animisme) ở thời rất xa xưa, đặc biệt là thờ những hòn đá thiêng, những cây thiêng, cái hồ thiêng.
Quá trình xây dựng nhà cũng là một quá trình thánh hóa từ đầu đến cuối với một hệ thống thần linh tôn ti trật tự, từ Ngọc hoàng thượng đế đến các thần Thổ địa của mỗi gia đình. Bắt đầu từ việc chọn đất làm nhà với những nghi thức để thánh hóa mảnh đất ấy. Việc chọn ngày khởi công hợp tuổi chủ nhà cũng là một sự kiện thiêng liêng. Rồi lễ động thổ, lễ khởi công, lễ phạt mộc (khắc thước tầm - sẽ đặt một cách trang trọng ở nóc nhà, như một vật thiêng liêng), quan trọng nhất là lễ thượng lương được chọn ngày giờ rất kỹ, vì đó là lễ đặt đòn nóc, có ảnh hưởng quyết định đối với việc xây nhà và cả đối với đời sống yên lành trong nhà về sau.
Khó có thể tính được người ta phải làm bao nhiêu lễ trong quá trình làm nhà, từ lúc khởi đầu đến lúc kết thúc. Xây nhà xong, còn phải làm lễ nhà mới vào lúc những người đầu tiên đến ở, việc xây cất nhà kèm theo những nghi lễ phức tạp, đến mức nó còn là một nghi lễ tôn giáo.
Trong Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên khẳng định: “Nhà của người Việt trước hết là một nhà ở của gia đình, và là một nhà thờ... mỗi nhà ở của gia đình người Việt là một đền thờ tổ tiên bảo hộ cho những gia đình lớn hay nhỏ tùy theo cấp độ quan hệ họ hàng giữa người chủ nhà với vị tổ ghi tên trên bài vị”.
Mảnh đất dựng nhà cũng như chính ngôi nhà ấy không mang tính thiêng có sẵn, nó trở thành thiêng vì người ta làm cho chúng hóa thiêng hay thánh hóa qua nhiều nghi lễ, đó là “những ảnh hưởng ma thuật phù thủy và tôn giáo” (P. Gourou). Lệ tục này còn trở lại mạnh mẽ hơn ở thời hiện đại, trong cả các thành phố lớn. Điều đáng chú ý là một số tôn giáo bác bỏ sự thờ cúng tổ tiên, như Kitô giáo, Phật giáo, nhưng rất nhiều tín đồ Việt của họ vẫn lập bàn thờ tổ tiên ở nơi trang trọng nhất trong nhà, bên cạnh bàn thờ Chúa Kitô hay Đức Phật (hay một vị bồ tát nào đó mà phổ biến nhất là Quan Thế Âm).
Nói cách khác, những tôn giáo ngoại lai, dù đã cắm rễ vào mảnh đất này cũng phải tìm cách thích nghi với thứ tôn giáo bản địa quan trọng nhất - thờ cúng tổ tiên.
Không gian thiêng cộng đồng
Linh mục L. Cadière sống 63 năm ở Việt Nam đã viết nhiều về tính thiêng của tục thờ cúng thần thánh nhiều cộng đồng dân tộc, sự đồng cảm đã trở thành tình yêu lớn với dân cư, làng mạc và phong tục của họ, đã tôn vinh họ như những con người tôn giáo đích thực, gắn với tín ngưỡng bản địa: “Người Việt Nam, trong mọi tầng lớp xã hội, tình cảm tôn giáo được bộc lộ một cách mạnh mẽ và bao trùm đời sống.
Tình cảm ấy lúc bùng nổ dưới ánh sáng mặt trời trong những nghi lễ long trọng, trong những ngôi đền, có lúc thầm lặng như lén lút, dưới một gốc cây, trước một hòn đá sần sùi. Người ta có thể diễn tả lời cầu xin bằng ngôn ngữ thanh tao, bằng thơ có nhạc và múa phụ họa, nhưng cũng có thể thì thầm bày tỏ nguyện ước tự đáy lòng”.
Bản năng gốc của con người là cá nhân, gia đình và đồng loại, nó đòi hỏi những không gian tinh thần. Cảm xúc về tính thiêng liêng cần có một cộng đồng bao bọc. Ở Việt Nam là làng xã, nơi lưu giữ tính nguyên sơ của luân lý, những thường nhật, ruộng đồng, chợ phiên, giếng làng, và những món quê dân dã. Chỉ nơi đây mới có sự đón nhận vô điều kiện, những tình cảm lớn bên cạnh tình yêu thâm sâu đối với gia đình, nâng đỡ và trợ giúp xóm giềng, cần cù lao động, cam chịu trong đời sống nghèo, trong cuộc sống vất vả hằng ngày.
Tính thiêng bắt đầu từ ngôi nhà và còn phức tạp hơn nhiều ở nhà chung của làng - cái đình. Ai bảo người Việt nghèo đời sống tinh thần thì nên tìm hiểu cái đình làng trong các quan hệ giao tiếp ở nông thôn Bắc bộ và vị thế của nó về mặt xã hội cũng như về mặt tín ngưỡng. Đình làng là trung tâm giao tiếp của làng, là nơi tế lễ, việc làng, diễn xướng, khao vọng..., những hoạt động quan trọng nhất của dân làng.
Đặc biệt, là nơi tế lễ thành hoàng làng, vị thần bảo trợ cao nhất của làng được triều đình phong tặng, nơi thể hiện rõ nhất tính tự chủ làng xã gắn với những vui buồn của dân làng. Có một đình làng lớn là cả một niềm hãnh diện to lớn, vì thế họ sẵn sàng góp phần cao nhất vào việc dựng ngôi đình của làng mình, sao cho lớn hơn những ngôi đình của các làng lân cận. Và cũng chỉ có đình làng lưu giữ được nghệ thuật điêu khắc dân gian, rất riêng, thuần Việt.
Niềm hãnh diện này còn lớn hơn nữa khi người ta có được một chỗ ngồi đáng kể trong hệ thứ bậc của làng vào dịp hội hè đình đám. P. Gourou nhận xét: “Vấn đề chi phối đời sống của làng mà người nông dân quan tâm trước hết là vấn đề xếp đặt ngôi thứ trong đình”. Giữa chốn thiêng ấy, họ cố sức làm sao cho thứ hạng của mình được công nhận: “Một miếng giữa làng, một sàng trong bếp”.
Không chỉ có thế, đình làng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của dân quê. Đó là nơi diễn ra nhiều thứ lễ hội mà ở đó người ta tham gia hết mình vào những cuộc diễn xướng, những tích truyện gợi lại cuộc đời của vị thành hoàng làng, những buổi đấu vật, kéo co, hát đuổi, đua thuyền, thi đấu cơm, đánh cờ người... để gần gũi đồng loại. Nó cũng là một không gian thiêng của cộng đồng.
Xuân giăng nỗi hoài niệm về những chốn thanh bình ngày xưa không trở lại, như một thiêng liêng đã mất. Cho dù cái thiêng liêng không thể nhận biết bằng lý trí, không thể cảm nhận nó trong những thành phố xa lạ với những người lạ. Nhưng những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, làm nó luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao thượng hơn, hướng tới cái siêu việt hơn, đi tới một không gian thiêng trong tâm tưởng.
Nguyễn Hồng Thục