PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Với kịch bản lạc quan, kinh tế có thể tăng trưởng 6,8 - 7,5% năm 2023
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:32, 22/01/2023
Kinh tế Việt Nam 2022 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, sự khắc nghiệt của thiên tai, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15% và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao trong khu vực và trên thế giới với mức lạm phát thấp. Dù vậy, thách thức Việt Nam phải đối mặt năm 2023 vẫn rất lớn.
Để nhìn nhận rõ hơn về kinh tế Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2022, thưa ông?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và vượt mức Quốc hội đề ra là 6 - 6,5%. Các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ... đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Mặc dù có những thời điểm USD lên giá trên 8% so với VNĐ, nhưng tính chung cả năm 2022, đồng USD chỉ lên giá 2,09% so với VNĐ. Đây chính là điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 khi kiểm soát được tỷ lệ lạm phát trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 hồi phục mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm, nên mặc dù quý 4 có chững lại nhưng vẫn đạt 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỉ USD.
Mặc dù vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với năm 2021, nhưng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỉ USD, tăng 14% so với năm trước.
Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng cao đã giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, giảm sức ép tăng giá ngoại tệ, tạo nguồn lực tăng trưởng sản xuất.
Các con số trên cho thấy sự hồi phục rất mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân, sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế và đặc biệt là sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra.
Đơn cử như việc Quốc hội quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022; quyết định giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu: miễn giảm 39 loại phí, lệ phí; giãn hoàn tiền thuế đất... từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể có được chi phí thấp nhất, điều kiện tốt nhất, giá cả đầu ra đầu vào đỡ căng thẳng để có thể tăng trưởng và phát triển trong năm 2022.
- Dù vậy, trong bức tranh tăng trưởng khá tươi sáng vẫn có những gam màu trầm? Theo ông, đâu là những điểm hạn chế của nền kinh tế năm qua?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Đầu tiên có thể kể đến là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm. Mãi đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, việc giải ngân đầu tư công mới được thúc đẩy mạnh mẽ. Do đó, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt được khoảng 70%.
Hy vọng đến ngày 31.1, khi đóng sổ đầu tư công thì con số dự kiến vào khoảng 80%, dù còn số này cũng ở mức cao nhưng thực sự vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ là 90 - 95%.
Rõ ràng, đầu tư công được giải ngân chậm đã kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế một cách tương đối. Nếu như trước đó, vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được khai thông, chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế sẽ còn cao hơn nữa.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022 tương đối tốt. Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 372,5 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Song nếu nhìn cụ thể vào tình hình các tháng sẽ thấy, từ tháng 10.2012, tăng trưởng xuất khẩu chậm dần, đây là vấn đề chúng ta đang cần phải lo lắng.
Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thực ra, chuyện doanh nghiệp tham gia hay rút lui khỏi thị trường là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, khi con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường quá lớn cũng trở thành vấn đề cần quan tâm.
- Vậy theo ông, nguyên nhân nào trong năm 2022 khiến một số chỉ số kinh tế chưa đạt được như kỳ vọng?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta có thể thấy nguyên nhân đầu tiên là lạm phát trên thế giới tăng rất cao, lập đỉnh sau 40 năm, từ đó tác động tới giá cả đầu vào của thị trường Việt Nam. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có hơn 340 lần tăng lãi suất. Bởi vậy, lãi suất trên thế giới tăng nhanh, kéo theo lãi suất của Việt Nam cũng phải tăng cao gây áp lực lên chi phí vốn.
Một nguyên nhân nữa là chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo ra chi phí sản xuất cao, nguồn cung ứng gặp khó khăn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng giảm sút, hoạt động thương mại quốc tế sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng.
Ngoài ra, giá cả trên thế giới tăng cao, đặc biệt giá vật liệu xây dựng tăng 40% liên tục trong 6 tháng. Giá tăng mạnh như vậy nhưng chính quyền địa phương và các bộ ngành, những người được phân giao xem xét tính toán định mức trong đầu tư công lại không thay đổi kịp thời. Vì vậy chủ đầu tư không dám thay đổi dự toán của dự án, khiến các đơn vị thi công xây dựng cũng không dám thi công, khiến tốc độ giải ngân đầu tư công cũng chậm lại.
- Ông dự báo thế nào về triển vọng tăng trưởng năm 2023?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Để đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2023 cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định đồng tiền Việt Nam, từ đó giảm được lạm phát cơ bản, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm 2023 lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó tác động rất lớn đến tới giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát trong năm 2023 của Việt Nam. Bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.
Các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã có hơn 340 lần tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt là trong năm 2022 Fed đã nâng lãi suất lên 5 - 5,25%, ngân hàng trung ương của nhiều nước cũng nâng lãi suất để chống lạm phát, do vậy, lãi suất trên thế giới tăng nhanh. Để đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần tăng lãi suất điều hành gây áp lực lên chi phí vốn, tạo sự trì trệ trong sản xuất và tăng áp lực lạm phát.
Do chiến tranh tại Ukraine tiếp tục kéo dài, Mỹ và phương Tây đẩy mạnh chính sách trừng phạt và áp trần giá dầu, trần giá khí đốt với Nga và việc Nga ngừng bán dầu, khí đốt cho các quốc gia không thân thiện, cùng với việc OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu và khí đốt và các nguyên vật liệu trong năm 2023 tăng cao.
Hơn nữa, do việc các bao vây, cấm vận với Nga, nước Nga đã không cho phép các phương tiện giao thông của các nước không thân thiện đi qua lãnh thổ Nga, làm cho câc chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận tải, logicstic tăng cao và làm cho nguồn cung ứng gặp khó khăn, chi phí sản xuất cao. Do đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng.
Do ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào và lạm phát, các tổ chức quốc tế dự báo năm 2023 nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,2 - 2,5% (so với mức 3,1% của năm 2022).
Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Lạm phát cùng với việc các chính phủ cắt giảm các hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19 khiến các hộ gia đình siết chặt chi tiêu. Việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa giảm sút sẽ tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm vào đó, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát. Đồng thời, cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tương đồng với Việt Nam, nhưng trình độ công nghệ cao hơn và quy mô sản xuất lớn hơn nên sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
- Theo ông, nhân tố nào có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với trạng thái vừa chung sống với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Đồng thời, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua có xu hướng tăng cao. Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các ngân hàng thương mại, cùng với các yêu cầu để các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và phát triển.
Trong năm 2022, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ cấu bộ máy của thị trường chứng khoán và các quy định pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường tài chính quốc tế để đáp ứng nhu cầu cung cấp vốn vay trung và dài hạn.
Đồng thời, Bộ Tài chính được giao việc xem xét, sửa đổi Nghị định 65/2022/ NĐ-CP vừa ban hành ngày 16.9.2022 cho phù hợp với thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn giá rẻ cho hồi phục và tăng trưởng.
Một nhân tố khác là việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng. Dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,7% trong năm 2023), thúc đẩy mở rộng nguồn cung các nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào với giá cả hợp lý cho nền sản xuất Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa, các linh phụ kiện của các doanh nghiệp Việt Nam với chi phí vận chuyển, logicstic ở mức thấp vào thị trường Trung Quốc.
Do tỷ giá VNĐ ổn định so với USD, các cân đối vĩ mô ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện sẽ là điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI tăng sẽ giảm áp lực tăng tỷ giá và áp lực lạm phát của VNĐ, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.
- Ông dự báo gì về mức tăng trưởng của năm 2023?
- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Dự báo trong năm 2023 nếu tình hình kinh tế - xã hội của thế giới vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hay suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2 - 6,7%.
Nếu tình hình kinh tế - xã hội của thế giới được cải thiện hoặc ổn định, giá xăng dầu, nguyên vật liệu ổn định, kinh tế thế giới phục hồi tốt, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, Quốc hội và Chính phủ có các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt và thích hợp, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,8 - 7,5%.
- Xin cảm ơn ông!