‘Thủ phủ’ dó trầm và những sản phẩm độc đáo phục vụ tết
Văn hóa - Ngày đăng : 19:17, 16/01/2023
Từ một loài cây mọc tự nhiên không ai biết giá trị
Ở Hà Tĩnh, nói đến cây dó trầm là người ta nghĩ ngay đến huyện Hương Khê. Huyện miền núi này được mệnh danh là thủ phủ của cây dó trầm bởi người dân nơi đây trồng rất nhiều loài cây vốn dĩ là cây mọc tự nhiên ở vùng đất này.
Nói là dó trầm Hương Khê vì người dân ở nhiều xã thuộc huyện này trồng dó trầm, nhưng thực ra thì phần lớn loài cây này được trồng tập trung chủ yếu ở xã Phúc Trạch, và chỉ ở xã này cây dó trầm được đánh giá có chất lượng cao. Từ kinh nghiệm trồng dó trầm của người dân và đánh giá của giới buôn trầm cho thấy, thổ nhưỡng ở xã Phúc Trạch thích hợp với loài cây tích tụ nhựa thành “vàng đen” này. Mặc dù người dân ở một số xã lân cận đưa giống cây dó trầm Phúc Trạch về trồng nhưng hàm lượng trầm khi thu hoạch vẫn kém xa cây trồng ở xã Phúc Trạch.
Hiện tại cây dó trầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trở nên khá giả nhờ trồng và sản xuất các sản phẩm từ loài cây này. Dù vậy, trong những người sử dụng sản phẩm từ trầm hiện nay ít ai biết rằng cây dó trầm ở xã Phúc Trạch vốn dĩ là loài cây mọc tự nhiên mà chính những người dân ở đây cũng không biết giá trị to lớn của nó.
Ông Nguyễn Văn Đức ở thôn 7, xã Phúc Trạch, là người trồng dó trầm hơn 30 năm nay. Hiện nay vườn cây dó trầm của ông có khoảng 400 cây, cây lớn nhất có đường kính khoảng 35cm được định giá 40 triệu đồng.
Ông Đức cho biết, trước đây khi người dân cư ngụ tập trung đông đúc tại vùng đất này, ai cũng biết có loài cây gọi là cây dó mọc tự nhiên ở rừng và cả trong vườn nhà. Cây dó có thân cao và thẳng nên người dân chọn cây to chặt về làm nhà hoặc làm chuồng gia súc. Tuyệt nhiên không ai biết trong thân cây có một thứ gọi là trầm được tích tụ từ nhựa cây qua hàng chục năm, có giá trị rất cao mà thương lái nhiều nơi đang săn tìm.
Đến khoảng hơn 40 năm trước, có nhiều người từ các tỉnh như Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế tìm đến mua cây dó thì người dân Phúc Trạch mới biết giá trị của loài cây này. Từ đó, cây dó được săn lùng, cây to bị chặt đem bán, cây nhỏ được bảo vệ, và nhiều hộ dân bắt đầu ươm cây giống từ hạt để trồng.
Khi người dân Phúc Trạch biết được phần gỗ màu nâu hoặc đen trong lõi cây dó được gọi là trầm, tên gọi cây dó trầm cũng bắt đầu từ đó.
“Trầm được tích tụ và hình thành từ nhựa cây chảy ra khi có một loài sâu đục thân cây dó. Qua nhiều năm, chất trầm tụ lại trong cây càng nhiều, như một phần lõi của cây. Tuy nhiên cùng một vườn cây, một vùng đất, nhưng hàm lượng trầm trong mỗi cây nhiều ít khác nhau”, ông Đức nói.
Về sau, để cho cây dó trầm sản sinh ra nhiều trầm, người trồng cây dùng dụng cụ bằng kim loại có đầu sắc nhọn đục vào thân cây để cho cây bị tổn thương, từ đó nhựa sẽ chảy ra và lâu ngày sẽ tích tụ thành trầm.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, toàn xã hiện có 90% hộ dân trồng cây dó trầm trên diện tích hơn 300ha. Chỉ tính riêng năm 2022, các hộ dân trên địa bàn xã bán cây dó trầm thu về hơn 90 tỉ đồng.
“Nghề trồng dó trầm và sản xuất các sản phẩm từ cây dó trầm giúp nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí có nhiều hộ đã “đổi đời”. Hiện tại toàn xã chỉ còn 2,7% hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo", ông Khánh cho biết.
Sản phẩm từ trầm đắt hàng vào dịp tết
Cứ vào tháng Chạp hằng năm, người dân ở “thủ phủ trầm” Phúc Trạch luôn tất bật với việc thu hoạch cây dó trầm và sản xuất các sản phẩm để phục vụ thị trường tết.
Cây dó trầm khi được thu hoạch và gia công, chế tác sẽ cho ra nhiều sản phẩm độc đáo. Các sản phẩm này được thương lái đưa ra thị trường khắp cả nước, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có nhu cầu rất cao.
Chị Võ Thị Nga, chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trầm hương lớn tại xã Phúc Trạch cho biết, gia đình chị vừa trồng dó trầm vừa thu mua cây từ các hộ dân khác trong xã để làm nguyên liệu sản xuất. Sản phẩm từ cơ sở sản xuất của chị gồm trầm cây mỹ nghệ, trầm miếng, bột trầm, hương trầm (gồm hương cây và hương nụ), chuỗi hạt trầm…
Cây trầm sau khi chặt hạ sẽ được cưa thành từng khúc tùy theo yêu cầu của người mua hoặc theo nhu cầu chế tác.
Để làm trầm cây mỹ nghệ thì người ta cưa thành khúc dài, sau đó người thợ sẽ tỉ mỉ dùng đục bằng sắt loại bỏ phần gỗ màu trắng bên ngoài, khi nào chạm đến phần trầm có màu nâu hoặc đen thì dừng lại. Phần cây trầm này sẽ có hình dạng rất độc đáo dựa theo các mạch tụ trầm trong lõi cây. Sản phẩm này được nhiều người mua về trang trí và làm vật phong thủy trong nhà.
Đối với các sản phẩm hương trầm thì cơ sở sản xuất sẽ băm nhỏ trầm rồi xay thành bột, sau đó tạo thành cây hương hoặc nụ hương trầm.
Theo quan niệm dân gian, mùi hương của trầm xua đuổi tà khí và tạo nên không gian ấm cúng, thanh khiết, do đó nhiều người mua trầm cây hoặc trầm miếng về đặt trong nhà vào dịp năm mới hoặc khi dọn về nhà mới.
Bên cạnh đó thì các sản phẩm hương trầm và chuỗi hạt trầm cũng rất đắt hàng vào dịp Tết Nguyên đán.
Chị Nga cho hay: “Cơ sở của tôi sản xuất quanh năm, sản phẩm được thương lái đến nhập sỉ sau đó đưa ra thị trường nhiều nơi trong cả nước. Dịp Tết Nguyên đán, do sức tiêu thụ rất cao nên từ đầu tháng 12 âm lịch chúng tôi phải thuê thêm thợ và tăng công suất sản xuất lên gấp 5 lần ngày thường mới làm đủ hàng cung cấp cho người mua”.