Người dân tất bật, sức mua tăng cao dịp tết ông Công ông Táo

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:22, 13/01/2023

Nhu cầu mua hàng hóa của người dân Thủ đô trong dịp cúng ông Công ông táo khá trầm lắng so với mọi năm, mặc dù nguồn cung các mặt hàng vẫn dồi dào.

Ngày 13.1 (tức 22 tháng chạp), tại các khu chợ ở Hà Nội nhộn nhịp người dân mua đồ cúng chuẩn bị cho lễ đưa ông Công ông Táo về trời.

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: chợ Xanh Định Công, chợ Hà Đông (quận Hà Đông); chợ Hôm-Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Châu Long (quận Ba Đình), chợ Gia Lâm (quận Long Biên)... những mặt hàng đồ cúng lễ vàng mã, cá chép đỏ, hoa quả, gà cúng, thức ăn sẵn đã sớm được các tiểu thương bày bán rất phong phú, với nhiều mẫu mã đa dạng.

hinh-anh-1.png
Mặt hàng vàng mã phong phú để phục vụ nhu cầu người dân cúng ông Công, ông Táo

Nhìn chung giá hàng hóa không có biến động lớn, chỉ một số loại thực phẩm tươi sống có giá tăng nhẹ so với đầu tuần. Sức mua những ngày này cũng tăng hơn trước. Trong đó, thực phẩm, rau xanh tới bánh kẹo ngày tết đều phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, không tăng so với trước Tết. Thậm chí, giá rau xanh đã giảm khá nhiều so với 2 tuần trước.

Cụ thể, cá chép vàng 1 bộ 3 con loại nhỏ có giá chỉ 20.000 đồng. Tuy nhiên, một số mặt hàng giá tăng nhẹ như: tôm thẻ có giá từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với đầu tuần; giá gà ta ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với đầu tuần.

hinh-anh-2.png
Các mặt hàng thực phẩm tăng giá nhẹ

Mặt hàng vàng mã, mẫu mã rất phong phú, đẹp mắt. Giá cả so với năm ngoái không có nhiều biến động, như: Bộ Táo quân có giá dao động từ 70.000 đến 150.000 đồng/bộ (tùy vào chất liệu, kích cỡ); bộ quần áo 20.000 đến 35.000 đồng/bộ; các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng thần tài... có giá từ 10.000 đến 30.000 đồng/lễ...

Theo các tiểu thương, sức mua của người dân đã bắt đầu tăng từ mấy ngày trước. Giá cả các loại hoa quả giữ mức ổn định, nhất là những loại quả để bày mâm ngũ quả như: thanh long, cam, táo, bưởi, chuối, trầu-cau... Ngoài các loại hoa truyền thống như: hoa cúc, hoa hồng, lay ơn, ly... thì năm nay xuất hiện thêm nhiều loại mới như: thanh liễu, tuyết mai, hoa mận...

Bà Nguyễn Thị Mai tiểu thương bán vàng mã tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ: "Tôi đã nhập hàng về từ cách đây gần 1 tháng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Vàng mã không sợ hỏng, bảo quản được nên nhiều người có nhu cầu mua sớm, càng sát đến ngày cúng ông Công ông Táo thì số lượng người mua tăng cao hơn. Các mặt hàng năm nay cũng có nhiều mẫu mã đẹp và phong phú".

Theo quy luật thị trường, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sức mua thường tăng cao hơn so với bình thường từ 10 - 12%, một số nhóm mặt hàng tăng từ 20 - 30%. Vì vậy, việc nắm bắt nhu cầu thị trường và chuẩn bị hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu người dân cả số lượng và chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường hàng hóa.

Các doanh nghiệp nhận định, đây là thời điểm thị trường sôi động nhất trong năm nên đã dự trữ nhiều hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Qua tìm hiểu thị trường thủ đô, lượng dữ trữ hàng hóa trong các tổ chức và hộ kinh doanh số lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp tết. Hàng hóa được các thương nhân chuẩn bị đảm bảo nguồn cung, chất lượng, phong phú, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhiều doanh nghiệp cung ứng, đại lý, siêu thị, nhà phân phối đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào hàng hóa thiết yếu và các sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp tết; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ.

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân, các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến, thanh toán điện tử, tăng nhân lực phục vụ, mở rộng số quầy thanh toán. Dịp này, nhiều siêu thị mở cửa từ 6 giờ, 7 sáng sáng, kéo dài tới 22 giờ, 23 giờ khuya và phục vụ đến chiều 30 tết, đồng thời mở cửa ngay từ mùng 1 tết. Kể từ mùng 4 tết các doanh nghiệp bán lẻ đều cam kết mở cửa bình thường.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng 15 - 30% tùy từng mặt hàng. Do đó, thành phố đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu từ tháng 5.2022 đến hết tháng 6.2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh; cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm trên toàn thành phố Hà Nội. Tổng lượng hàng hóa giá trị khoảng 39.500 tỉ đồng sẽ được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân (tăng 15% với năm ngoái).

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung