Có nên bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:12, 10/01/2023

Bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, hay vẫn duy trì và tiếp tục cải tiến để mang đến sự hài lòng cho người dân... là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.

Trong nhiều năm qua, chi trả bảo hiểm khi xe máy gây ra tai nạn hoặc gặp một sự cố nào đó luôn nhiêu khê, mất rất nhiều thời gian. Điều này không chỉ làm khó dễ, mà còn gây ức chế lớn cho các chủ xe máy khi để xảy ra sự cố giao thông. Chẳng hạn, một người có mua bảo hiểm xe máy không may gây ra tai nạn khi tham gia giao thông, vừa phải gọi cho doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên đến xác minh, vừa phải ở đó giữ nguyên hiện trường.

bao-hiem-xe-may-1-16641649275561393535698-crop-16641649389281373319669.png

Song hầu hết chủ xe máy phải tự thương lượng để bồi thường tai nạn do mình gây ra, vì đợi nhân viên bảo hiểm thì quá lâu, mà giữ nguyên hiện trường sẽ gây tắc đường, mất thời gian của đôi bên.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa qua đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy. Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không xếp bảo hiểm này vào loại hình thương mại mà xem như chính sách an sinh xã hội. Do đó, nó là một loại bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, với phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy - chính sách này sau cả chục năm triển khai tỷ lệ bồi thường rất thấp, theo số liệu, chỉ khoảng 6% trong khi với ô tô là 33%.

Sau khi thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm được đơn giản hóa theo Nghị định 03/2021, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng chỉ ở mức 2% tính trong nửa đầu 2022, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).

Về vấn đề này, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có thông tin liên quan hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam, đồng thời đưa ra quan điểm của cơ quan quản lý bảo hiểm trước đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy.

Cụ thể, ông Trung cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp trong ngành, năm 2021 doanh thu của hoạt động bảo hiểm xe cơ giới vào khoảng 3.970 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ xe cơ giới là ô tô chiếm 2.893 tỉ đồng và xe máy vào khoảng 1.016 tỉ đồng.

Cũng trong năm này, số tiền bồi thường bảo hiểm của toàn bộ xe cơ giới vào khoảng 750 tỉ đồng, với 722 tỉ của ô tô và số chi trả bảo hiểm với chủ phương tiện xe máy là 27 tỉ đồng. Số liệu thống kê bình quân giai đoạn 2017-2021 cũng cho biết tỷ lệ chi trả bồi thường của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới là 19,81%.

Trước nhiều đề xuất cho rằng tỷ lệ chi trả bảo hiểm với xe máy đang ở mức quá thấp, có thể bãi bỏ quy định bảo hiểm bắt buộc với xe máy, ông Ngô Việt Trung cho rằng vẫn cần tiếp tục quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với phương tiện này.

Ông Trung giải thích về mặt đạo lý, xe cơ giới bao gồm ô tô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ khi vận hành, hoạt động và tham gia giao thông có thể gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của bên thứ ba. Trong khi đó, nhiều trường hợp chủ xe đã tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính, không có đủ khả năng chi trả bồi thường cho nạn nhân.

Tại Việt Nam, xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, hơn 63% nguyên nhân gây ra tai nạn đến từ phương tiện xe máy.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng trong các trường hợp như vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy, là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe sang các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cục trưởng Ngô Việt Trung cho biết, trên thế giới, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chỉ có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu chiếc), EU (11,6 triệu) hay các nước có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu chiếc), Trung Quốc (trên 90 triệu), Indonesia (110 triệu), Thái Lan (22 triệu).

Trong thời gian tới, dự thảo nghị định sắp ban hành nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Đồng thời, có sự tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Cụ thể dự thảo nghị định đã bổ sung quy định tỷ lệ giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo tăng cường vai trò công cụ điều tiết kinh tế của loại hình bảo hiểm này.

Dự thảo nghị định trên cũng đề xuất tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25 lên 30% nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.

Dự thảo nghị định cũng thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả triển khai, tình hình thị trường, xu thế, lợi ích và các rủi ro liên quan.

Tuyết Nhung