Học sinh thay đổi lựa chọn tổ hợp: Chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT
Giáo dục - Ngày đăng : 11:45, 05/01/2023
Học sinh lớp 10 lúng túng khi thay đổi lựa chọn môn tổ hợp
Học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 là lứa đầu tiên bậc trung học phổ thông được học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, với thay đổi lớn nhất là được tự chọn môn học trong các tổ hợp mang tính định hướng nghề nghiệp. Ngay từ khi thực hiện thủ tục nhập học đối với lớp 10, các thầy cô giáo có thêm một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là triển khai đăng ký Ban/tổ hợp và môn lựa chọn đến tất cả học sinh theo thông tin từ Bộ GD-ĐT. Sau gần 1 học kỳ năm học 2022-2023, một số học sinh lớp 10 THPT có nhu cầu chuyển đổi môn lựa chọn song các trường vẫn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT.
Nhiều học sinh khi mới bước vào lớp 10, chưa xác định cụ thể được phương hướng cũng như năng lực học của mình nên đã đánh dấu "chọn đại" một tổ hợp nào đó. Tuy nhiên, khi qua một học kỳ, thì sẽ có những thay đổi về môn học và những rắc rối khi học sinh thay đổi kéo theo một loạt khó khăn khác.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở năm học 2022-2023, chương trình giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở lớp 9 và bậc THPT chính là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Học sinh sẽ không phải học tất cả các môn như hiện nay mà chỉ còn 8 môn bắt buộc và lựa chọn thêm một tổ hợp môn học. Cụ thể, các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Các môn học lựa chọn gồm ba nhóm môn, gồm: Nhóm môn khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh chọn tổ hợp 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Chia sẻ với phóng viên, em Quỳnh Trang - Trường THPT Trí Đức (Nam Từ Liêm) cho biết, trước đó em chọn ban xã hội để có thể dễ học hơn, phù hợp với năng lực. Nhưng khi học hết học kỳ, em có hứng thú với các môn tự nhiên hơn và bố mẹ cũng bảo khi thi vào các trường đại học chuyên ngành kinh tế thì dễ xin việc hơn nên giờ em thay đổi lựa chọn tổ hợp. "Chương trình cũng có nhiều môn lạ nên việc lựa chọn ban đầu của em khá khó khăn, có những môn em học yếu hẳn, nhưng em sẽ cố gắng củng cố kiến thức để thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT", Quỳnh Trang chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, rất nhiều học sinh lúng túng khi lựa chọn môn học tổ hợp khi bắt đầu vào lớp 10, còn khi các em đã "lỡ chọn" tổ hợp mà các em chưa định hướng rõ, đến nay các em muốn thay đổi tổ hợp thì lại khó khăn khi các môn học khác các em không có điểm. Bộ GD-ĐT cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh thay đổi lựa chọn tổ hợp.
Trước đó, tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, nhiều địa phương cũng đề cập đến vấn đề chuyển trường, chuyển tổ hợp của học sinh lớp 10. Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Lê Duy Định băn khoăn, bây giờ có hiện tượng sau khi học xong một học kỳ thì học sinh xin chuyển tổ hợp môn. Phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Đồng thời, học sinh muốn chuyển trường sang vùng khác nhưng nơi chuyển cũng không dạy tổ hợp đang học thì như thế nào?
Dù Bộ GD-ĐT không khuyến khích học sinh lựa chọn chuyển tổ hợp ngay sau khi kết thúc học kỳ I, nhưng chờ đợi hết 1 năm mới chuyển thì các môn học khác điểm số không được như mong muốn của học sinh, rất khó để có thể xét học bạ nếu muốn đăng ký vào các trường đại học nào đó.
Các trường chủ động phương án cho học sinh thay đổi tổ hợp
Ngay khi học sinh bắt đầu theo học lớp 10 - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường và giáo viên đã có những trao đổi, chia sẻ rất cụ thể với học sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn lựa chọn môn tổ hợp theo bạn bè hoặc "chọn bừa", chứ không chú ý tới năng lực, sở thích cũng như cơ hội việc làm sau này.
Việc thay đổi môn tổ hợp ngay khi kết thúc học kỳ I sẽ là điều khó khăn không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên và trường mà học sinh đang theo học. Nếu học sinh vẫn muốn thay đổi tổ hợp, nhà trường sẽ phải xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên xem có đáp ứng được không. Nếu đáp ứng được thì cần tiến hành cho học sinh làm các bài kiểm tra để đánh giá học sinh có theo được chương trình nếu chuyển tổ hợp mới hay không. Điều này dễ dẫn đến rắc rối trong các tổ chức lớp học tại trường cũng như việc đưa điểm số cho học sinh đó vào các tổ hợp mới.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) Nghiêm Hồng Trung cho rằng, việc học theo tổ hợp của các trường theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện rất ổn định. Tuy nhiên, vẫn có học sinh muốn được học thêm các môn lựa chọn khác mà tổ hợp của các em không có, nhà trường đã mở các lớp dạy miễn phí theo hình thức trực tuyến (vào các buổi tối) và trực tiếp (vào cuối tuần) để bổ trợ kiến thức theo nhu cầu của các em.
Học sinh muốn được học thêm môn học nào sẽ đăng ký và tham gia lớp học. Việc tổ chức lớp học miễn phí như vậy rất hữu ích với học sinh, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của các em cả trong việc lựa chọn môn học, cả việc quyết định sẽ thi theo tổ hợp nào tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức cho các em thay đổi tổ hợp ngay trong học kỳ I là phương án tối ưu nhất của nhà trường dành cho học sinh trong khi chờ đợi phương án cụ thể từ Sở GD-ĐT hoặc Bộ GD-ĐT.
Nhiều hiệu trưởng trường THPT cho rằng, nội dung hướng dẫn của Bộ còn chung chung, không ghi rõ thời điểm, quy trình thực hiện nếu học sinh có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn và việc bổ sung kiến thức, kỹ năng để học sinh học môn lựa chọn mới sẽ triển khai như thế nào… Trong giai đoạn thực hiện tiếp nhận, giải quyết các trường hợp học sinh chuyển trường, các nhà trường mong muốn Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn để việc thực hiện được thống nhất giữa các trường, tránh tình trạng lúng túng hoặc mỗi trường làm một kiểu, ảnh hưởng tới việc ôn tập cũng như lựa chọn nghề nghiệp của học sinh.
Trước đây, khi học sinh lựa chọn học theo ban nhưng vẫn đảm bảo tất cả các môn học, chỉ học sinh đó chú trọng nhất 3 môn học mà mình dự tính thi thì nhà trường vẫn đáp ứng được. Còn nay, nếu các em chọn lại môn trước đó hoàn toàn không được học thì chỉ có thể đáp ứng ở một thời điểm nhất định. Ví dụ học sinh có thể thay đổi môn học tổ hợp vào học kỳ I của lớp 10 hoặc hết lớp 10. Nhưng khi học sinh thay đổi từ lớp 11 trở lên thì điều đó là khó khả thi vì các giáo viên sẽ không có thời gian dạy bù đắp kiến thức và học sinh sẽ bị trống điểm môn học mà mình không lựa chọn tổ hợp.
Trong khi vẫn còn chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) nói qua về nội dung đã hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH và Thông tư 22 về kiểm tra, đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chưa thông tin cụ thể về nội dung mà học sinh cần thay đổi môn tổ hợp tại lớp 10 hoặc 11.