Hy hữu: Người phụ nữ bị dính buồng trứng và vòi trứng sau gần 7 năm mổ lấy thai
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:08, 03/01/2023
Sau 2 lần mổ lấy thai, lần gần nhất là cách đây gần 7 năm, người phụ nữ 39 tuổi, ngụ ở TP.HCM bất ngờ lên cơn đau bụng dữ dội từng cơn, không ói, không sốt. Bệnh nhân được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM).
Tại đây, qua thăm khám lâm sàng nhận thấy bệnh nhân đỡ đau, bụng chướng nhẹ, mềm mại. Kết quả MSCT ghi nhận bệnh nhân bị tắc ruột do dây thắt rõ, các quai ruột phù nề nhiều, tưới máu ruột còn tốt. Các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa và theo dõi sát tình tình trạng bụng, vì trường hợp này khả năng phải phẫu thuật cao. Hai giờ sau, bệnh nhân tiếp tục đau bụng dữ dội, bụng gồng cứng. Bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện buồng trứng và vòi trứng trái dính lên thành bụng tạo thành một lỗ hình bầu dục đường kính khoảng 3cm, các quai ruột chui qua đó bị nghẹt lại gây tắc ruột.
Các quai ruột bị nghẹt xuất hiện tình trạng tím tái, phù nề nhiều. Sau khi giải phóng các quai ruột nghẹt, các bác sĩ tiến hành gỡ dính buồng trứng, vòi trứng và thành bụng để phá bỏ lỗ thoát vị. Sau đó thám sát lại toàn bộ ổ bụng, ghi nhận bụng dưới bên phải mạc nối lớn dính lên thành bụng tạo thành một lỗ tương tự bên trái nên tiến hành gỡ dính mạc nối lớn và thành bụng.
“Ca mổ thành công suôn sẻ chỉ sau 90 phút. Các bác sĩ kiểm tra lại thấy các quai ruột nghẹt ban đầu đã hồng hào lại, có mạch đập rõ. Đến hôm nay (3.1.2023) sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tự đi lại được”, bác sĩ Châu cho hay.
Theo bác sĩ Châu, đây là một trường hợp tắc ruột - thoát vị nghẹt do thoát vị nội do dính trên người bệnh đã phẫu thuật vùng bụng. Tắc ruột do dính sau phẫu thuật xuất hiện ở khoảng 5% các trường hợp đã phẫu thuật vùng bụng, không liên quan tới chế độ ăn uống sau phẫu thuật, đa phần chỉ cần dùng thuốc, không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, trường hợp này dây dính sau mổ đã tạo thành lỗ thoát vị nội gây ra thoát vị nghẹt, nếu mổ trễ hơn 12 tiếng, khả năng hoại tử ruột, phải cắt bỏ đoạn ruột hoại tử rất cao. Bệnh nhân từ lúc đau tới lúc phẫu thuật chỉ có 9 tiếng, đoạn ruột nghẹt sau khi được giải phóng đã hồng hào trở lại nên không cần cắt bỏ đoạn ruột.