Chuyện Công Phượng, chuyện Quang Hải: Vui, buồn bóng đá Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 14:07, 25/12/2022
Chuyện Công Phượng
Trang chủ Yokhama FC đưa thông tin đầy đủ về Công Phượng từ chiều cao cân nặng, thành tích cá nhân trong màu áo HAGL và đội tuyển Việt Nam cũng như những CLB mà Công Phượng đã từng lần lượt thi đấu: Hoàng Anh Gia Lai FC (Việt Nam) - Mito HollyHook - Incheon United (Hàn Quốc) - Sint-Truiden (Bỉ) - Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) - Hoàng Anh Gia Lai FC (Việt Nam).
Trang chủ Yokohama FC cũng công bố phát biểu của Công Phượng như sau: “Tôi rất vui mừng được gia nhập Yokohama FC. Đây là khởi đầu một chương mới trong sự nghiệp của tôi. Tôi đến với giải đấu mới, đồng đội mới cùng những thử thách mới. Tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình khi khoác áo Yokohama FC và tôi đã sẵn sàng. Các bạn hãy luôn ủng hộ tôi và tôi rất mong được gặp các bạn”.
Năm 2016, ở tuổi 21, Công Phượng đã đến Nhật và thi đấu cho CLB Mito HollyHook ở J-League 2. Với Công Phượng, đây là chuyến đi mang tính học hỏi, trải nghiệm và rút cho mình nhiều bài học quý giá khi thi đấu nước ngoài. Nếu nhìn dưới góc chuyên môn, chuyến thi đấu này không được như ý khi cả mùa bóng, Phượng chỉ được thi đấu 7 trận và không ghi được bàn thắng nào.
Sau đó Phượng có 2 lần thi đấu cho các câu lạc bộ ở Hàn Quốc, Bỉ, và cũng là những chuyến đi không như ý về chuyên môn.
Do đó, chúng ta vui khi Yokohama FC đã ký hợp đồng với Phượng và chúng ta đừng quên, mùa này Yokoham FC thi đấu ở J-League 1, giải đỉnh cao của Nhật Bản.
Đây là hợp đồng thuần túy về chuyên môn, hoàn toàn không phải là hợp đồng thương mại hay bất kỳ nguyên nhân nào khác, nên dù biết rõ Phượng chưa bao giờ thành công khi thi đấu cho các CLB ở nước ngoài, thậm chí Phượng còn không khẳng định được vị trí chính thức ở J-League 2, thì việc Yokoham FC “nhắm” đến Phượng, có nghĩa là họ “cần” Phượng trong kế hoạch mùa tới.
Chuyện Quang Hải
Tôi đã từng nhận định, chúng ta nên vui, nên chia sẻ và ủng hộ Quang Hải khi đặt bút ký hợp đồng đội Pau FC thi đấu ở Ligue-2, giải Hạng nhì của Pháp. Tuy nhiên tôi đã từng nói, các cầu thủ Việt Nam cần thử thách thành công ở từng cấp và bắt đầu từ Thai-League sau đó hãy đến chinh phục ở K-League hay J-League trước khi mơ đến chân tròi bóng đá châu Âu.
Và dự báo của tôi đã thành hiện thực. Cú nhảy coi là ngoạn mục của Quang Hải khi không cần khẳng định mình ở Thai-League, K-League hay J-League mà bay thẳng vào châu Âu dù chỉ là giải Hạng Hai của Pháp đi chăng nữa, thì đó cũng là môi trường không dễ để Quang Hải chinh phục.
Thực tế cho thấy những ngày đầu, Quang Hải luôn được có mặt trong đội hình xuất phát, nhưng rồi số phút thi đấu ít dần, rồi dự bị dài hạn. Việc Pau FC đồng ý cho Quang Hải về Việt Nam thi đấu AFF Cup, một giải đấu không thuộc hệ thống FIFA mà các CLB không có nghĩa vụ phải trả cầu thủ, có nghĩa là Quang Hải đã không còn trong kế hoạch của HLV Pau FC.
Chúng ta cần nhìn nhận thực tế này vì khi không có Quang Hải, thành tích của Pau FC tốt hơn rất nhiều khi Quang Hải đá chính thức.
Vui buồn bóng đá Việt Nam
Trước khi nói về chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại ảnh hưởng như thế nào đến đội tuyển quốc gia Việt Nam, đến nền bóng đá Việt Nam, tôi muốn lướt qua đôi dòng về thành công của bóng đá Nhật Bản, đặc biệt là với những gì đội tuyển Nhật thể hiện tại World Cup 2022.
19/26 tuyển thủ Nhật Bản tại World Cup 2022 đang thi đấu các giải vô địch Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp… nhiều hơn so với vỏn vẹn 4 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài khi Nhật đồng tổ chức World Cup 2002 với Hàn Quốc.
20 năm qua, các cầu thủ Nhật cần độ tuổi ngoài 25 sau khi đã thành danh ở J-League thì họ mới thử thách ở giải vô địch xem là hạng hai của châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Scotland… Nhưng đó là giai đoạn đầu, còn bây giờ, các cầu thủ Nhật đã xuất ngoại khi tuổi đời còn trẻ cũng như chinh phục ở các giải hạng một châu Âu là Đức, Tây Nha, Anh, Pháp, Ý.
Nhắc nhớ chi tiết này để chúng ta hiểu rằng, ngay như Nhật Bản hơn Việt Nam toàn diện thế mà họ vẫn đi từng thấp đến cao, đi chậm mà chắc và có kế hoạch, chiến lược cho sự phát triển bóng đá đỉnh cao rất rõ ràng. Do đó, bóng đá Việt Nam ngay lúc này đây, cũng phải theo lộ trình phát triển như bóng đá Nhật: chính phục từ thấp đến cao.
Có nghĩa là các cầu thủ tài năng của Việt Nam khi có các câu lạc bộ nước ngoài muốn ký hợp đồng thì cần tự tin khi thoát khỏi V-League, đồng thời các đội bóng chủ quản cũng nên tạo điều kiện cho các cầu thủ của mình ra biển lớn.
Từ thành công của bóng đá Nhật Bản cho đến những thành – bại của các ngôi sao bóng đá Việt Nam từng thi đấu nước ngoài như Lê Công Vinh trước đây (Lê Huỳnh Đức đá cho Lifan ở giải Trung Quốc không tính vì đó là hợp đồng mang tính thương mại) hay quá khứ gần Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu, Đặng Văn Lâm… tôi vẫn giữ quan điểm, các cầu thủ Việt Nam phải khẳng định mình là ngôi sao ở V-League, sau đó nên chinh phục từng nấc ở Thai-League rồi qua K-Legue hoặc J-Legue trước khi muốn thử thách ở châu Âu.
Rõ nhất là Đặng Văn Lâm, anh là ngôi sao ở V-League, là thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam, anh đã chinh phục thành công ở Thai-League, nhưng Lâm chưa thể chinh phục được J-League 1 và khi trở về Việt Nam thi đấu cho Bình Định ở V-League, Lâm vẫn là số 1.
Nhấn mạnh những chi tiết này để chúng ta vui với Công Phượng, nhưng đừng quá kỳ vọng. Tuy nhiên chúng ta cùng chúc Công Phượng sớm hòa nhập và trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên khẳng định được mình ở J-League 1.
Nếu điều này xảy ra, khi đó chúng ta cùng vui cũng chưa muộn và đến lúc đó, chúng ta mới tin rằng: Công Phượng là cú hích cho các cầu thủ Việt Nam tự tin đủ khả năng chinh chiến ở giải cao nhất của Nhật Bản.