5 hãng công nghệ lớn và Tesla mất 4.200 tỉ USD vốn hóa thị trường trong năm 2022
Thế giới số - Ngày đăng : 21:33, 23/12/2022
Thuộc Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (London Stock Exchange Group), Refinitiv là một trong những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook), Microsoft và Apple đã cùng nhau mất 3,65 ngàn tỉ USD vốn hóa thị trường trong năm 2022, do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng làm giá cổ phiếu một số hãng công nghệ nổi tiếng nhất Mỹ tụt dốc.
Việc này diễn ra trong một năm mà S&P 500 (chỉ số thị trường chứng khoán theo dõi tình hình hoạt động của 500 công ty lớn được niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ) đã giảm mạnh gần 19% và Nasdaq (chỉ số nặng về công nghệ) giảm 32% tính đến cuối ngày 21.12.
Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed đã dẫn đến sự sụt giảm chỉ số chứng khoán nói chung, nhưng đặc biệt ảnh hưởng đến nhiều hãng công nghệ và sự tăng trưởng của các công ty khác.
Kể từ tháng 3.2022, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần, lên khoảng 4,5% vào tháng 12, nhằm cố gắng giảm lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Trong đó, bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75% trong các phiên họp chính sách vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Lãi suất cao hơn khuyến khích người dân tiết kiệm hơn là chi tiêu và nâng chi phí vay. Cả hai điều này đều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu các công ty.
Vốn hóa thị trường được sử dụng để phân loại cổ phiếu của công ty, giúp nhà đầu tư lựa chọn mua cổ phiếu tùy theo khẩu vị rủi ro.
Vốn hóa thị trường là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện tại x Tổng số cổ phiếu đang lưu hành
Vốn hóa thị trường phụ thuộc trực tiếp vào giá cổ phiếu của công ty. Giá trị này thay đổi theo từng ngày giao dịch. Khi giá cổ phiếu tăng lên thì vốn hóa thị trường tăng theo và ngược lại. Những thay đổi về số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa trị trường. Các công ty vẫn có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn hoặc mua lại cổ phiếu. Giả sử giá cổ phiếu không đổi, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm tăng giá trị vốn hóa thị trường của công ty và việc mua lại sẽ làm giảm giá trị vốn hóa.
Meta Platforms và Amazon từng mất vốn hóa thị trường lớn khi cảnh báo suy thoái kinh tế vào năm 2023 sẽ dẫn đến doanh thu của họ giảm.
Cổ phiếu Meta Platforms giảm 25% chỉ trong một ngày vào tháng 10 sau khi khiến các nhà đầu tư sốc với báo cáo kết quả kinh doanh chịu chi phí tăng cao phần lớn do chi đậm vào mảng metaverse, sự sụt giảm doanh thu và báo hiệu việc chậm lại trong chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số - rủi ro được một số người trong lĩnh vực trực tuyến đề cập.
Theo Refinitiv, việc chuyển sang metaverse không được nhiều nhà phân tích đón nhận làm Meta Platforms giảm 635 tỉ USD vốn hóa thị trường của công ty trong năm nay. Vốn hóa thị trường của Meta Platforms hiện chỉ còn khoảng 318 tỉ USD, sau khi bắt đầu năm 2022 ở mức 953 tỉ USD.
Cổ phiếu Amazon lao dốc 11% trong cùng tháng 10 sau khi đưa ra dự báo doanh số ảm đạm cho kỳ nghỉ lễ quan trọng. Đến nay, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến đã mất 806 tỉ USD vốn hóa thị trường vào năm 2022, đánh mất mốc nghìn tỉ USD lần đầu tiên kể từ tháng 4.2020. Vốn hóa thị trường của Amazon hiện ở mức 885 tỉ USD, từ 1,691 ngàn tỉ USD đầu năm 2022.
Vốn hóa thị trường của Alphabet đã giảm 758 tỉ USD trong năm 2022, từ 1,921 ngàn tỉ USD xuống còn 1,163 ngàn tỉ USD. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Microsoft giảm từ 2,525 ngàn tỉ USD xuống còn 1,822 ngàn tỉ USD, tương đương mức giảm 703 tỉ USD.
Vốn hóa trị trường của Apple giảm 747 tỉ USD so với mức 2,902 ngàn tỉ USD vào đầu năm 2022. Thế nhưng, Apple vẫn là công ty lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường khoảng 2,155 ngàn tỉ USD.
Nếu tính cả Tesla thì tổng thiệt hại về vốn hóa thị trường của 6 công ty (gồm cả 5 Big Tech) lên tới 4,2 ngàn tỉ USD.
Giá cổ phiếu công ty sản xuất ô tô điện đã giảm mạnh 61% trong năm nay khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động từ việc mua lại Twitter của Elon Musk và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Điều đó đã xóa đi 572 tỉ USD vốn hóa thị trường của Tesla.
Cổ phiếu Tesla xuống mức đáng báo động, Elon Musk hứa không bán thêm trong 18 - 24 tháng
Elon Musk cho biết sẽ không bán thêm bất kỳ cổ phiếu Tesla nào trong 18 - 24 tháng tới để trấn an các nhà đầu tư.
Phát biểu trong cuộc trò chuyện bằng âm thanh trên Twitter Spaces, Elon Musk dự đoán nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng vào năm 2023 và nhu cầu với các mặt hàng đắt tiền sẽ thấp hơn.
Bình luận này được đưa ra sau đợt bán tháo cổ phiếu Tesla ngày càng sâu hôm 22.12 do lo ngại về nhu cầu ô tô điện giảm và sự phân tâm của Elon Musk vì Twitter.
"Tôi sẽ không bán bất kỳ cổ phiếu nào trong ít nhất 18 đến 24 tháng. Vì vậy, bạn có thể tin tưởng vào việc tôi không bán cổ phiếu nào cho đến năm 2025 hoặc thời gian nào đó. Chắc chắn là không phải năm tới trong bất kỳ trường hợp nào và có lẽ không phải năm sau nữa", Elon Musk nói.
Cổ phiếu Tesla giảm 8,9% trong giờ giao dịch thông thường hôm 22.12, mức thấp nhất trong 52 tuần, nhưng tăng 3% lên 129,23 USD trong giao dịch sau giờ làm việc.
Đây không phải là lần đầu tiên Elon Musk tuyên bố sẽ không bán thêm cổ phiếu Tesla trong năm nay. Vào tháng 8, sau khi bán số cổ phiếu Tesla trị giá hơn 8 tỉ USD để sử dụng cho việc mua lại Twitter, Elon Musk đã tweet "không có kế hoạch bán TSLA nào nữa sau ngày hôm nay". TSLA là tên mã cổ phiếu của Tesla.
Tuy nhiên đầu tháng 12, ông đã bán thêm 3,6 tỉ USD cổ phiếu Tesla. Việc này nâng tổng số tiền Elon Musk kiếm từ cổ phiếu Tesla lên gần 40 tỉ USD kể từ cuối năm ngoái, khiến các nhà đầu tư thất vọng.
"Tôi cần bán một số cổ phiếu để đảm bảo có tiền mặt dự trữ, nhằm ứng phó với trường hợp xấu nhất", tỷ phú 51 tuổi người Mỹ lý giải. Ông cho biết hội đồng quản trị Tesla sẵn sàng mua lại cổ phiếu, nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào quy mô của cuộc suy thoái.
Tesla bắt đầu giảm giá 7.500 USD cho người Mỹ mua ô tô điện Model 3 và Model Y của hãng, khiến các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu giảm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Một số nhà đầu tư lo lắng Elon Musk sao lãng vai trò Giám đốc điều hành Tesla khi ông chuyển trọng tâm sang lãnh đạo Twitter, khiến cổ phiếu Tesla tiếp tục lao dốc. Song, Elon Musk nói rằng "không có một cuộc họp quan trọng nào mà tôi bỏ lỡ tại Tesla" kể từ khi lên nắm quyền tại Twitter.
Ngoài ra, Elon Musk tiết lộ Tesla sắp chọn được địa điểm cho Gigafactory (nhà máy khổng lồ) mới của mình. Tesla có thể công bố việc xây dựng một Gigafactory ở Nuevo Leon (bang phía bắc Mexico) ngay sau ngày 23.12, với khoản đầu tư ban đầu từ 800 triệu đến 1 tỉ USD, theo tờ Reforma.
Khi được hỏi liệu có mời ai đó như nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks điều hành Twitter để cho phép ông tập trung vào Tesla hay không, Elon Musk đã né tránh câu hỏi và nói rằng Twitter là một công việc kinh doanh tương đối đơn giản.
"Twitter có lẽ chỉ bằng 10% độ phức tạp của Tesla", Elon Musk nói.
Đầu tuần này, Elon Musk cho biết sẽ từ chức Giám đốc điều hành Twitter khi tìm ra "ai đó đủ khờ dại để nhận công việc này".
Trước những lo ngại rằng quan điểm chính trị và bình luận gây tranh cãi đang khiến một số người xa lánh ông, Elon Musk nói: "Tôi sẽ không thích kiểu đàn áp quan điểm chỉ để tăng giá cổ phiếu".
Hôm 13.12, Elon Musk cho biết ông “sẽ đảm bảo các cổ đông của Tesla được hưởng lợi lâu dài từ Twitter” mà không giải thích chi tiết.
Các nhà đầu tư cũng ngày càng lo ngại rằng những trò đùa và tweet gây tranh cãi từ Elon Musk có thể làm tổn hại đến thương hiệu và doanh số bán hàng của Tesla, khi nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng.
"Elon là một nhà lãnh đạo kinh doanh xuất sắc. Anh ấy sẽ sớm nhận ra (nếu chưa phải là đã nhận ra) rằng quan điểm chính trị phân cực của anh ấy đang làm tổn hại đến nhận thức của khách hàng về Tesla. Khách hàng không muốn chiếc xe của họ gây tranh cãi. Họ muốn cảm thấy tự hào khi lái chúng", Gary Black, nhà đầu cơ Tesla, tweet.
"Elon Musk đã từ bỏ Tesla và Tesla không có CEO đang làm việc", theo KoGuan Leo, cổ đông cá nhân lớn thứ ba của Tesla, người tự mô tả mình là fanboy của Elon Musk.
"Có phải chúng ta chỉ đơn thuần là những người giữ túi ngu ngốc của Elon Musk? Cần một 'đao phủ' giống như Tim Cook, không phải Elon Musk", KoGuan Leo nói thêm.
Elon Musk sử dụng nền tảng âm thanh trực tiếp Twitter Spaces ngày càng nhiều để cân nhắc về sản phẩm và các quyết định chiến lược tại công ty truyền thông xã hội mà ông mua lại vào tháng 10 với giá 44 tỉ USD.