Xét xử vụ AIC: Phía Công ty AIC chấp nhận bồi thường thiệt hại

Sự kiện - Ngày đăng : 19:53, 23/12/2022

Đại diện Công ty AIC nói “đồng ý bồi thường thiệt hại” và mong Tòa xem xét thành tích của các nhân viên Công ty AIC đang là bị cáo trong vụ án này.

Chiều 23.12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ (Công ty AIC) và 35 bị cáo khác tại TAND TP.Hà Nội tiếp tục diễn ra.

Trong chiều nay, HĐXX cho biết tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Công ty AIC phải có trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại trong vụ án là 152 tỉ đồng, nên theo quy định pháp luật, Công ty AIC là bị đơn dân sự trong vụ án.

Sau khi HĐXX xác định tư cách tham gia phiên tòa của Công ty AIC, người đại diện của Công ty AIC cho biết trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa 4 tài khoản của Công ty AIC với số tiền 107 tỉ đồng. Phía AIC chấp nhận phong tỏa này để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho chủ đầu tư.

“Về nguyên tắc, trong quan hệ hợp đồng, bên nào gây thiệt hại thì bên đó phải bồi thường. Chúng tôi là bị đơn trong vụ án này là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi gây thiệt hại thì chúng tôi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra”, vị đại diện cho biết.

quang-canh-ttxvn.jpeg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: TTXVN

Liên quan đến các cá nhân của Công ty AIC ở trong vụ án này, theo vị đại diện, khi Công ty AIC chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ đầu tư, điều này đồng nghĩa với việc các bị cáo không phải bồi thường nữa.

Cuối phần xét hỏi, đại diện Công ty AIC mong muốn trong quá trình lượng hình, HĐXX hãy xem xét đến những đóng góp của Công ty AIC khi có nhiều hoạt động xã hội; thành tích của AIC luôn gắn liền với công lao đóng góp của các nhân viên.

Từ đó, vị đại diện đề nghị HĐXX xem xét thành tích của các nhân viên Công ty AIC đang là bị cáo trong vụ án này.

Trước ý kiến của đại diện Công ty AIC, vị Chủ toạ phiên tòa có hỏi các bị cáo về việc gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả; nay phía Công ty AIC cho biết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại, vậy các bị cáo có ý kiến gì không? Trả lời câu hỏi trên, nhiều bị cáo cho biết vẫn tự nguyện khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích là đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Nguồn tiền của hoạt động này do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao. Sau đó, các đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.

Sau đó, Chủ tịch AIC đã trực tiếp đưa hối lộ hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho các lãnh đạo Tỉnh, sở ngành.

Nhã Thanh