Giai thoại về bài hát Giáng sinh của cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:14, 21/12/2022
Mỗi dịp Giáng sinh, từ làng quê cho đến thành phố, đâu cũng vang lên giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như Jingle bells, Last Christmas hay We wish you a Merry Christmas… Để rồi cũng trong không khí ấy, người nghe bỗng nhiên thấy lòng chùng lại bởi một giai điệu sâu lắng trầm buồn day dứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối về một cuộc tình đã xa.“Nơi vùng quê ngân nga tiếng chuông xa/Nghe thật quen đêm đông tiếng chuông Noel/Giáng sinh đang về khắp nẻo đường quê/Tâm tư miên man gió đông theo sang/Noel năm nay nhớ em vô vàn…”.
Đoạn ca từ trên được trích ca khúc Xóm đạo vắng em. Nội dung ca khúc dựa trên một câu chuyện tình buồn có thật xảy ra tại một xóm đạo ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Xóm đạo bình yên đó có một đôi trai tài gái sắc quen biết nhau thường đi lễ chung một nhà thờ, sau đó họ yêu nhau và nên vợ thành chồng. Nhưng không may người vợ bị hiếm muộn. Mong muốn cho chồng một đứa con, ngày nọ nàng đến Trà Kiệu để xin Đức Mẹ cho gia đình nàng một đứa con. Lời cầu nguyện đã thành hiện thực, không lâu sau đó cô mang thai và sinh con… nhưng ngày con gái ra đời thì cũng là ngày cô về nước Chúa... Từ đó về sau, vào dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh, trên sân giáo đường quen thuộc ở xóm đạo những người đi lễ không khỏi nghẹn lòng khi thấy chàng thanh niên và đứa con nhỏ mắt ngấn lệ quỳ rất lâu nguyện cầu dưới tượng Chúa…
Tác giả bài hát, nhạc sĩ Phạm Anh Cường cũng đã qua đời tại Quảng Nam vào năm 2014 khi mới 45 tuổi. Di sản âm nhạc của Phạm Anh Cường để lại cho đời có nhiều bài hát thể loại bolero, đặc biệt là bản nhạc Tìm lại người xưa có đến hàng trăm phiên bản cover do các các sĩ như Long Nhật, Phương Anh, Ngô Quốc Linh… thể hiện.
Xóm đạo vắng em là bài hát duy nhất nhạc sĩ Phạm Anh Cường viết về chủ đề Giáng sinh, theo tâm sự của nhạc sĩ lúc sinh thời, anh chính là người chứng kiến câu chuyện tình buồn của đôi trai gái cùng quê. Đồng cảm với nỗi đau của chàng trai nên anh viết ca khúc này để chia sẻ. Bản nhạc ra đời vào những năm cuối của thập niên 1990 nhưng mãi đến năm 2013, khi vào Sài Gòn làm việc, nhạc sĩ Phạm Anh Cường mới có điều kiện hòa âm phối khí và tự thu âm bài hát, nhưng rất tiếc chưa tới một năm sau thì anh qua đời nên ca khúc chưa được phổ biến rộng rãi.
Ngoài bản thu do Phạm Anh Cường tự hát thì Xóm đạo vắng em cũng được ca sĩ Việt Thanh (em trai của ca sĩ Tuấn Vũ) thể hiện, nhưng cũng rất tiếc Thanh sau đó không tiếp tục theo con đường ca hát nên bản thu không được đầu tư đúng mức để tiếp cận người nghe.
Video dưới đây là ca khúc Xóm đạo vắng em lần đầu tiên được hòa âm hoàn chỉnh do chính tác giả Phạm Anh Cường hát thu âm và dựng thành một video clip đơn giản để gửi đến bạn bè người thân vào cuối năm 2013.
Nhạc sĩ Phạm Anh Cường sinh năm 1968 tại Đà Nẵng trong một gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng từ nhỏ anh đã tỏ ra có khiếu ở bộ môn hội họa. Với niềm đam mê vẽ chân dung, tốt nghiệp lớp 12, anh được người thầy ở tiệm ảnh gần nhà hướng theo nghề chụp ảnh chân dung nghệ thuật. Anh nhanh chóng đạt được thành công với nghệ thuật nhiếp ảnh từ năm 22 tuổi tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế qua thương hiệu Photo Hàm Yên rất nổi tiếng.
25 tuổi, anh ra Hà Nội theo học khóa đạo diễn điện ảnh do thầy Đỗ Minh Tuấn giảng dạy. Năm 1995, anh tiếp tục thành công với nghệ thuật nhiếp ảnh qua thương hiệu Hàm Yên tại Đà Nẵng.
Năm 2001, hôn nhân tan vỡ, cuộc sống gia đình đảo lộn, cũng từ đây anh bắt đầu viết nhạc ghi lại những cảm xúc của mình rồi bài hát Tìm lại người xưa đã đưa tên tuổi Phạm Anh Cường vào danh sách những nhạc sĩ viết bolero nổi tiếng của Việt Nam.
Do không gian hoạt động nghệ thuật ở Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, để tìm cho mình môi trường nghệ thuật rộng hơn, Phạm Anh Cường đã rời quê nhà Đà Nẵng vào Sài Gòn và tại đây tài năng của anh đã được ghi nhận. Nhạc của Phạm Anh Cường được nhiều ca sĩ biết đến, nhất là ở dòng nhạc bolero trữ tình. Ngoài sáng tác, anh cũng tham gia vào các lĩnh vực nghệ khác như nhiếp ảnh, đạo diễn các chương trình hài kịch, các show truyền hình... Anh là người khởi xướng tổ chức chương trình "Đêm nhạc họ Phạm" tại TP.HCM. Qua 3 lần tổ chức từ năm 2011 - 2013, chương trình đã để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu âm nhạc khi có sự tham gia trực tiếp của các nhạc sĩ nổi tiếng họ Phạm như Phạm Duy, Phạm Tuyên, Phạm Minh Tuấn…
Tháng 5.2014, do điều kiện gia đình, anh quyết định đưa vợ con về Đà Nẵng và mở phim trường ở Tam Kỳ, Quảng Nam nhưng không may anh đã qua đời do tai nạn giao thông trong một lần trên đường đi làm về.
Sau ngày anh mất, nhiều tác phẩm của anh vẫn tiếp tục được các ca sĩ trình bày trên sân khấu trong và ngoài nước. Di sản âm nhạc Phạm Anh Cường để lại cho đời gồm 2 album riêng Tìm lại người xưa (vol 1), Chuyến phà dĩ vãng (vol 2) và một album phát hành chung với nhạc sĩ Vinh Sử. Các ca khúc được nhiều người yêu thích phần lớn nằm trong dòng nhạc trữ tình như Tìm lại người xưa , Xuân bơ vơ , Ánh trăng đêm buồn, Ôi quá là yêu, Mưa gọi tên anh... Ca khúc của anh được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Giao Linh, Tuấn Vũ, Bảo Yến, Long Nhật, Duy Trường, Xuân Phú, Quỳnh Lan... trình bày, trong đó ca sĩ Long Nhật được xem là người thể hiện bài hát Tìm lại người xưa thành công nhất. Cho đến thời điểm hiện tại bài hát này vẫn được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước chọn thể hiện và dàn dựng theo hàng trăm bản độc đáo khác nhau.