Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:15, 19/12/2022
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỉ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1%.
11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỉ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch.
Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ. Thị trường này hiện chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP 11 tháng qua đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỉ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.
Nhu cầu tiêu dùng lúa gạo tăng cao tại nhiều thị trường lớn trong năm 2022, cộng với động thái Ấn Độ kiểm soát xuất khẩu nhiều loại gạo bằng chính sách thuế, thậm chí còn cấm xuất khẩu gạo tấm đã tạo thêm cơ hội để ngành gạo của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Dự kiến, cả năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn, mang về khoảng 3,55 - 3,6 tỉ USD.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới. Đơn cử, thời điểm này, giá chào bán gạo 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.
Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Chẳng hạn như giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu lên tới 600 USD/tấn, riêng loại gạo japonica giá cao tới 700 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang giữ vững vị thế hàng đầu thế giới do các DN đã nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn. Mặt khác, những xung đột thế giới, thời tiết, dịch bệnh... cũng khiến nhu cầu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh. Đáng chú ý, gạo Việt Nam ngày càng chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm và đầu năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn, sau khi Anh tách khỏi EU, nước ngày đã cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hằng năm tương đương với hạn ngạch mà EU cấp theo Hiệp định thương mại tự Việt Nam - EU.
Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật... của thị trường nhập khẩu.