Lạc: Một triển lãm lạ của Nguyễn Việt Phương

Văn hóa - Ngày đăng : 17:05, 17/12/2022

Lần đầu tiên xuất hiện, Nguyễn Việt Phương trình làng mỹ thuật Việt Nam bằng một triển lãm rất lạ với chủ đề “Lạc”…

Triển lãm Lạc khai mạc vào chiều 16.12 tại trung tâm Sài Gòn, trưng bày 13 tác phẩm khổ lớn khiến cho công chúng và cả giới mỹ thuật hơi ngỡ ngàng vì màu sắc cũng như cách thể hiện gần như là không giống ai.

Đó là loạt tranh được họa sĩ Nguyễn Việt Phương chọn ra từ chùm tác phẩm vẽ trong thời gian bó chân bó tay vì làng sóng đại dịch COVID-19. Khoảng thời gian mà anh quay trở lại hội họa và xem như là cách để tâm hồn mình vượt thoát những rào cản vô hình lẫn hữu hình trong chiều không gian bức bối sau một thời gian dài bị mắc kẹt trong những toan tính cơm áo gạo tiền. Rất may là nghệ thuật đã thành công trong việc “giải cứu” để đưa Phương về lại đúng nơi anh muốn đến.

319190654_496311119010411_1647555371487771566_n.jpg
Họa sĩ Nguyễn Việt Phương tại triển lãm - Ảnh: Tiểu Vũ 

Triển lãm Lạc mở ra vài giờ, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện những đánh giá tích cực của giới chuyên môn bằng nhận định như: "Có những tác phẩm không đóng khung như những giấc mơ với sắc màu tràn ra ngoài khuôn khổ của bức tranh hòa vào nhãn quan của người thưởng lãm..."

320641387_501239888655357_3860797061131695139_n.jpg
Không gian triển lãm "Lạc" của Nguyễn Việt Phương - Ảnh:  Tiểu Vũ

Có mặt tại phòng tranh, gặp gỡ họa sĩ mới hiểu rằng hội họa đối với Nguyễn Việt Phương không phải là cuộc dạo chơi mà là sự lựa chọn nghiêm túc của người nghệ sĩ. Để đến được với hội họa đích thực và và cụ thể nó bằng một triển lãm, Phương phải đi qua rất nhiều con đường vòng, anh phải đi qua nhiều ngã rẽ khác nhau, đi qua cơm áo gạo tiền mới đến đích được.

Việt Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa, cha anh là một họa sĩ. Phương mê vẽ từ nhỏ, có tranh được chọn làm minh họa cho báo chí nhưng cha anh không cho con theo nghề vì sợ "khổ như mình". Chìu lòng cha, Phương chọn một nghề "gần gần với hội họa" nên thi vào ngành Mỹ thuật công nghiệp của ĐH Kiến Trúc TP.HCM. “Học Mỹ thuật công nghiệp xong ra trường rồi cuốn theo cuộc sống cơm áo gạo tiền… tưởng rằng giấc mơ được vẽ tranh của tôi cũng lụi tàn. Nhưng một ngày nọ chợt nhận ra rằng mình vẫn còn đam mê thôi thúc, và nó thường về trong những giấc mơ hay những cơn say bất chợt. Và thế là tôi biết mình cần phải làm gì, cầm lấy cây cọ cần mẫn trong vòng nhiều tháng với loạt 13 tác phẩm đã hình thành triển lãm Lạc như hôm nay…” Phương chia sẻ.

320536744_530134258851207_4154379067967014838_n.jpg
Tác phẩm của Nguyễn Việt Phương - Ảnh Tiểu Vũ 

Triển lãm Lạc xuất hiện tại Sài Gòn được xem như một hiện tượng lạ trong đời sống mỹ thuật bởi đây là triển lãm đầu tay của một họa sĩ nhưng được thể hiện theo trường phái tân biểu hiện. Tranh của Phương đều sử dụng ngôn ngữ hội họa với những đường nét trông có vẽ mềm mại nhưng lại rất quyết liệt phản chiếu nội tại đầy dằn xé của người nghệ sĩ. 

Vì có quá nhiều năm làm thiết kế, nên khi quay trở lại với tranh, dù chọn bút pháp tân biểu hiện (neo-expressionism), đáng lý cần nhiều buông thả, thì Nguyễn Việt Phương vẫn gìn giữ sự cân phân, tính toán trong các bố cục. Không gì là không thể trong sáng tạo, chính vì vậy mà sự tính toán này đã làm cho các bức tranh của anh có vài nét khác dòng tân biểu hiện thường thấy.

Nguyễn Việt Phương có lấy một chút cảm hứng từ tranh của Jean-Michel Basquiat (1960 - 1988), nhưng không chỉ dừng lại ở việc pha trộn hội họa với đồ họa, trừu tượng với biểu hiện, giá vẽ với tranh tường, mà anh còn tìm về tinh thần biểu tượng (symbolism) - ví dụ con cá - để vẽ nên, đúng hơn là để tìm kiếm bản thể bị thất lạc của chính mình. Bộ tranh này, thể hiện trong nhiều diện mạo khác nhau, nhưng thực chất là những tự họa, theo nghĩa ai đang đi tìm lại chính mình, hoặc đang muốn trở lại với những thứ vốn thuộc của mình, thì sẽ nhìn thấy mình trong bộ tranh.

Một chút xíu về vật liệu, chính các thỏi sơn dầu (oil stick) đã giúp ích đáng kể trong việc thể hiện các dây màu, không để cho cảm xúc bị đứt đoạn. Nó không chỉ mang đến cho họa sĩ sự thoải mái khi muốn kéo dài nhát cọ, mà còn tạo hiệu quả về thị giác cho người xem. Cả họa sĩ và người xem như đang hòa nhập một cung đường tâm lý, cùng tìm kiếm bản thể của mình.

Mấy chục năm không vẽ tranh mà trở lại khá ngon trớn và khá tự do như loạt tranh này, có thể thấy Nguyễn Việt Phương đã tìm ra được lối để trở về với chính mình. Đường sẽ còn rộng mở hơn trong các năm tới.

Lý Đợi (Nhà nghiên cứu mỹ thuật)

Tiểu Vũ