Tàu đánh cá gắn camera giám sát có cứu được nguồn cá đang giảm?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:55, 08/12/2022

Một cách giúp các tàu đánh cá tuân thủ các quy định Mỹ nhằm bảo vệ nguồn cá đang bị suy giảm nghiêm trọng, đó là lắp đặt camera có độ phân giải cao.

Công nghệ này cho phép chính quyền Mỹ không phải cử giám sát viên đi theo tàu đánh cá. Đối với nhiều người ủng hộ, giám sát điện tử là một giải pháp dễ dàng và nhanh chóng để bảo vệ nguồn cá đang bị suy giảm.

crawler-camera-2-ap.jpeg
Giám sát viên theo dõi việc đánh cá trên tàu - Ảnh: AP

Kể từ năm 1970, số lượng cá trên thế giới đã giảm mạnh, đến mức ngày nay 35% trữ lượng thương mại đã bị đánh bắt quá mức. Theo ước tính, 11% lượng thủy sản nhập khẩu của Mỹ đến từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC).

Để quản lý bền vững nguồn cá, các nhà khoa học cần có dữ liệu đáng tin cậy về hoạt động của hàng chục ngàn tàu đánh cá hàng ngày miệt mài làm việc trên đại dương, mà phần lớn không có sự giám sát.

Giám sát video chưa được phổ biến rộng rãi

Dựa vào các camera có độ phân giải cao được gắn vào cột buồm của tàu đánh cá, Mark Hager chỉ việc ngồi trong văn phòng, sử dụng máy tính xách tay để xem qua màn hình các thủy thủ đoàn vận chuyển sản phẩm đánh bắt trong ngày lên tàu và đo chúng bằng những chiếc que dài được đánh dấu bằng vạch đen.

Ông có thể phóng to từng con cá để xác minh kích thước và loài của nó, lưu ý xem liệu con cá được giữ lại hay ném xuống biển theo luật hay không.

crawler-camera-1-ap.jpeg
Giám sát viên đặt máy quay camera trên một tàu đánh cá - Ảnh: AP

Công ty khởi nghiệp New England Maritime Monitoring - có trụ sở tại bang Maine - của Hager là một trong số các công ty đang tìm cách giúp các tàu thương mại tuân thủ các quy định mới của chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ nguồn cá đang cạn kiệt.

Đây là một ngành kinh doanh phát đạt, vì nhu cầu tiêu thụ hải sản được đánh bắt bền vững và hoạt động giám sát suốt ngày đêm đã bùng nổ từ Vịnh Alaska đến eo biển Florida.

Chỉ với 10.000 USD, các tàu đánh cá có thể được trang bị máy ảnh độ phân giải cao, cảm biến và công nghệ khác có khả năng cung cấp một cái nhìn an toàn, đáng tin cậy về những gì từng là một điểm mù khổng lồ.

Một số cài đặt cho phép truyền video bằng vệ tinh hoặc dữ liệu di động trở lại bờ trong thời gian thực, mang lại độ minh bạch mà trước đây không thể tưởng tượng được.

Nhưng dù có những ưu điểm như vậy, việc giám sát bằng video chậm được phổ biến kể từ khi ra mắt vào cuối những năm 1990, như một chương trình thí điểm nhằm ngăn chặn việc đánh bắt quá mức cua ngoài khơi British Columbia.

Chỉ có khoảng 1.500 trong số 400.000 tàu đánh cá công nghiệp trên thế giới đã lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera. Trong số đó có khoảng 600 tàu ở Mỹ, nơi đang thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực này.

Brett Alger, một quan chức của NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, thuộc chính phủ Mỹ) chịu trách nhiệm triển khai giám sát điện tử ở Mỹ cho biết: “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn sơ khai”.

Các công cụ truyền thống như sổ nhật ký của thuyền trưởng và kiểm tra bến tàu chỉ cung cấp vài thông tin hạn chế. Trong khi đó, các giám sát viên độc lập - nhân tố then chốt trong cuộc chống đánh bắt cá bất hợp pháp - rất khan hiếm, chỉ có 2.000 người trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại những sáng kiến có mục đích tốt nhằm bổ sung nguồn cá và giảm việc đánh bắt không chủ ý các loài bị đe dọa - như cá mập và rùa biển - có thể gây tác dụng ngược: bằng cách chồng thêm những quy định pháp lý lên các thuyền trưởng đánh cá, mục tiêu đánh bắt được nhiều cá hơn có thể được chuyển ra nước ngoài, “khuất tầm mắt” của các nhà bảo tồn và người tiêu dùng.

crawler-camera-3-ap.jpeg
Màn hình điện toán giám sát ngư dân đang đo kích cỡ cá - Ảnh: AP

Giám sát viên là nghề nguy hiểm

Trong số 13 tổ chức quản lý nghề cá khu vực trên thế giới, chỉ có 6 tổ chức yêu cầu giám sát trên tàu - cử giám sát viên hoặc gắn camera - để thực thi các quy tắc về sử dụng ngư cụ, đánh bắt không chủ ý và hạn ngạch, theo một nghiên cứu năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, có trụ sở tại Paris) chuyên tư vấn cho các quốc gia về chính sách kinh tế.

Tại Mỹ, chỉ có một số ít người được đào tạo sẵn sàng nhận các công việc giám sát, mức lương thấp và tham gia những chuyến đi dài ngày trong ngành đánh bắt cá thường xuyên nguy hiểm, nên đã không thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng về khả năng truy xuất nguồn gốc của số cá đánh bắt.

Một nghiên cứu gần đây của NOAA cho biết: ngay cả khi có giám sát viên trên tàu, dữ liệu họ thu thập đôi khi bị sai lệch, vì thuyền trưởng ở bang New England có thể thao túng chất lượng dữ liệu đánh bắt.

Các mối nguy hiểm cao nhất mà các giám sát viên phải đối mặt là  bên ngoài vùng biển của Mỹ, nơi giám sát điện tử được sử dụng ít nhất. 16 giám sát đã chết trên khắp thế giới kể từ năm 2010, theo Hiệp hội các Giám sát viên Chuyên nghiệp có trụ sở tại Mỹ.

Nhiều trường hợp tử vong liên quan các giám sát viên từ các đảo nghèo ở Nam Thái Bình Dương. Họ làm việc với mức lương thấp, lại ít được đào tạo và hỗ trợ, ngay cả khi được đưa lên các tàu treo cờ Mỹ và tuân thủ các quy định an toàn của Mỹ. Những điều kiện làm việc như vậy khiến những giám sát viên nhận hối lộ và bị đe dọa bởi những thuyền trưởng gian xảo, vốn cũng phải chịu sức ép là làm cho mọi chuyến đánh bắt đều có giá trị.

Trong nhiều năm, công việc của Hager là giám sát viên trên các tàu đánh cá ở bang đã khiến ông bị xem là một “cảnh sát” can thiệp vào hoạt động đánh bắt, đếm và xem xét kỹ lưỡng từng con cá tuyết, cá tuyết chấm đen và cá bơn để thực thi các quy tắc bảo vệ nguồn cá và lập hạn ngạch đánh bắt.

Trong một chuyến đi đặc biệt nguy hiểm, Hager đã trải qua 12 ngày trên biển, và không thành viên thủy thủ đoàn nào nói với ông dù chỉ một lời. Ông nói: “Thực tế là những giám sát viên rất phiền phức. Không ai muốn họ ở đó, và khi họ không bị đe dọa hoặc mua chuộc, thì dữ liệu họ cung cấp rất sai sót vì thực tế đã chứng minh rằng ngư dân cư xử khác đi khi họ bị giám sát”.

Rủi ro đặc biệt cao ở phía tây và trung tâm Thái Bình Dương - nơi có nghề đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới. Phạm vi giám sát khoảng 100.000 tàu câu cá ngừ ở Thái Bình Dương vào khoảng 2%, tức thấp hơn nhiều so với ngưỡng tối thiểu 20% mà các nhà khoa học cần có để đánh giá sức khỏe của đàn cá.

Việc thiếu các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật được quốc tế chấp nhận đã làm chậm tiến độ giám sát video, cũng như chi phí cao liên quan việc xem xét lượng lớn cảnh quay.

Hager cho biết, một số chi phí sẽ giảm khi máy học và trí tuệ nhân tạo - công nghệ mà công ty ông đang thử nghiệm - giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà phân tích, những người phải ngồi hàng giờ xem đi xem lại video.

Áp lực thị trường cũng có thể thúc đẩy việc áp dụng giám sát điện tử nhanh hơn. Gần đây, Thai Union (trụ sở tại Bangkok) là chủ sở hữu của các nhà hàng Red Lobster và thương hiệu cá ngừ Chicken of the Sea đã cam kết giám sát 100% đối với chuỗi cung ứng cá ngừ rộng lớn của họ kể từ năm 2025, và hầu hết sẽ bằng giám sát điện tử.

Bảo Vĩnh