Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt mốc 10 tỉ USD

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:13, 26/11/2022

Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỉ USD ngay trong tháng 11 và hết năm 2022 có thể đạt mức 11 tỉ USD.

Thông tin trên được ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" ngày 26.11.

imgl0511-20221126160835157.jpg
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe

Cụ thể, ông Hòe cho biết VASEP dự kiến đến tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỉ USD. Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỉ USD.

Trong 10 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 9,4 - 9,5 tỉ USD. Các thị trường lớn nhất gồm có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2022.

Cả năm 2022, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỉ USD, cá tra vượt qua 2 tỉ USD và có thể đạt 2,5 tỉ USD. Trong khi đó, cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỉ USD. Nhóm hải sản ước đạt 3,2 tỉ USD giá trị xuất khẩu.

Tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 18 - 77%. Tất cả thị trường đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, trong khi Nga vẫn tăng trưởng 0,2%. Top 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỉ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Ông Hòe chia sẻ thêm, giai đoạn 2003-2004, Việt Nam phải đối diện với hai vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ với tôm và cá tra. Thời điểm đó, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh trở lại. Tuy nhiên sau vụ việc trên khoảng 3-4 năm, xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng rất nhanh.

Theo Tổng Thư ký VASEP, có 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Cả ba ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao. Top 100 đơn vị xuất khẩu hàng đầu, có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu gồm 6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra.

Về thách thức của ngành thủy sản thì không thể không kể đến vấn đề nguyên liệu chế biến, ông Hòe đưa ra loạt thách thức bao gồm: Quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ, chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo Quy định IUU, chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản phải đối mặt với thách thức về thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Ngành thủy sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn.

Hơn nữa, thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro vì sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý.

Ông Hòe cho rằng thị trường thủy sản không thể xuống mãi mà phải có lúc lên. Doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục sản xuất, duy trì lực lượng lao động, nhất là công nhân có tay nghề, khi thời cơ đến thì tăng trưởng và xuất khẩu.

Về khó khăn trong quý 4/2022 và năm 2023, VASEP cho rằng tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ.

Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2030.

Những thách thức lớn cần vượt qua còn phải kể đến cạnh tranh giá, phí vận chuyển cao, vấn đề môi trường, chế biến sâu, nguyên liệu ổn định. Tất cả những khó khăn này đỏi hòi nguồn vốn lớn cho đầu tư hệ thống kinh doanh và sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị mà ngân hàng thương mại khó đáp ứng.

"Ngành thủy sản không hẳn là bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào. Nhiều người hy vọng là cuối quý 1/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện mà nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 202", ông Hòe nhận định.

Tuyết Nhung