Cánh cửa mở cho những họa sĩ chưa có cơ hội
Văn hóa - Ngày đăng : 12:26, 26/11/2022
Nguyễn Tấn Vĩ gốc Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Buôn Ma Thuột. Tốt nghiệp mỹ thuật tại Nha Trang, Vĩ trở về Đắk Lắk sinh sống và sáng tác. Nhiều năm qua, tác phẩm của Vĩ đã đến được với công chúng yêu tranh nhưng anh chưa từng tổ chức một triển lãm cá nhân nào tại miền Trung hay quê nhà. Vì vậy, việc được ra mắt công chúng tại TP.HCM là điều anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Nguyễn Tấn Vĩ chia sẻ: “Tôi sáng tác đều đặn, số lượng tranh khá nhiều nhưng chỉ treo tại studio ở quê, tương tác với các bạn yêu tranh qua online, chưa từng dám mơ ước sẽ có buổi triển lãm tại Sài Gòn. Lý do là tôi không có đủ tài chính, không có nhiều mối quan hệ với các chủ gallery. Nói chung, một họa sĩ trẻ, mà nhất là họa sĩ ở tỉnh lẻ, rất hiếm có cơ hội. Thế nhưng vào một ngày đẹp trời, họa sĩ Phú Hà - giám tuyển của The Workshop Coffee lên tận xưởng vẽ của tôi ở Buôn Ma Thuột để thẩm định tranh. Anh hứa sẽ giúp tôi có buổi triển lãm cá nhân tại trung tâm Sài Gòn. Với tôi, đây là một món quà ngoài sức tưởng tượng”.
Theo những người am hiểu giới hội họa, một họa sĩ muốn tổ chức được buổi triển lãm cá nhân tại Sài Gòn, ngoài công sức sáng tạo tác phẩm, còn phải tốn rất nhiều kinh phí. Riêng giá thuê mặt bằng từ 5 triệu đồng một ngày trở lên. Nếu cộng thêm tiền vận chuyển, khung đóng tranh và các thứ lặt vặt khác, ít nhất phải tốn 200 triệu đồng. Đó là số tiền quá sức đối với những người trẻ, và chính điều này là trở ngại lớn khiến nhiều bạn đã có nhiều sáng tác nhưng chưa thể tiếp cận công chúng.
Thế nhưng, hoạt động của The Workshop Coffee theo một hướng khác. Họa sĩ Phú Hà là người chịu trách nhiệm hoạt động cho phòng tranh, kết hợp với nơi này. Anh đi tất cả các tỉnh thành, tìm gặp và xem tranh của các họa sĩ trẻ chưa có cơ hội, và những nghệ sĩ lớn tuổi có sáng tác dày nhưng chưa triển lãm. Những ai có tác phẩm đủ chất lượng sẽ được anh mời về ra mắt tại đây. Và tại địa điểm này, anh lo tất cả các chi phí, họa sĩ chỉ cần mang tranh đến trưng bày.
Họa sĩ Phú Hà bộc bạch: “Tôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định. Bản thân là họa sĩ nên tôi hiểu được khó khăn của một người họa sĩ khi muốn đưa tác phẩm đến với người xem. Vì thế tôi muốn tạo ra một môi trường hoạt động nghệ thuật tự nhiên và lành mạnh, khích lệ các họa sĩ dấn thân và làm việc tốt hơn”.
Được biết, mỗi năm tại đây có ít nhất 3 cuộc ra mắt tranh trở lên. Nhiều họa sĩ ít được biết đến, qua kênh này, đã dần dần quen thuộc với giới sưu tập và thưởng ngoạn. Thường triển lãm tại Gallery, buổi khai mạc sẽ thu hút được đông người đến dự, nhưng những ngày sau lượng người thưa thớt. Ngược lại, do tính đặc thù của mô hình The Workshop Coffee là mỗi ngày đều có đông khách đến uống nước, vậy nên các tác phẩm được nhiều người quan tâm, chú ý. Đây là một thuận lợi mà bất cứ họa sĩ nào cũng mong muốn.
Được biết, ngay trong ngày đầu khai mạc, một tác phẩm của Nguyễn Tấn Vĩ đã được nhà sưu tập đón về. Thông thường, sau thời gian triển lãm, họa sĩ bán được tranh có đủ chi phí cho tất cả hoạt động trong thời gian triển lãm. Điều quan trọng là họ có dịp gặp gỡ các nhà sưu tập, tạo động lực để tiếp tục sáng tác.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho rằng anh ủng hộ mô hình hoạt động này vì đây là không gian thoải mái, cởi mở, vui vẻ. Không thể so sánh với các gallery của nhà nước như Bảo tàng Mỹ thuật hay các phòng tranh chuyên nghiệp có từ lâu của tư nhân, nhưng chắc chắn đây là một sân chơi rất tích cực góp phần vào hành trình hoạt động và phát triển của họa sĩ mỹ thuật Việt Nam.
Nói về chất lượng tranh của triển lãm "Sóng đất cao nguyên", nhà phê bình Nguyên Hưng đánh giá tốt kỹ thuật sáng tác của Nguyễn Tấn Vĩ. Các tác phẩm sơn dầu và acrylic có một dấu ấn riêng, đó là sự mạnh mẽ phảng phất khí chất đại ngàn Tây Nguyên.
Được biết, triển lãm kéo dài đến ngày 5.12.