Muốn thành công như Nhật, Hàn, bóng đá Việt Nam cần phải biết đua thể lực
Thể thao - Ngày đăng : 06:52, 25/11/2022
Lượt đấu đầu tiên vòng bảng World Cup 2022 đã kết thúc. Đại diện cuối cùng của châu Á đã xuất trận là Hàn Quốc với trận hòa không bàn thắng với Uruguay. Trận này, Hàn Quốc được cột dọc 2 lần cứu nguy trước cú đánh đầu của Diego Godin và cú sút xa của Federico Valverde.
Tuy nhiên, nếu xét về thế trận thì Hàn Quốc mới là đội chơi chủ động khi cầm bóng nhiều hơn, triển khai tấn công mạch lạc hơn. Nếu các chân sút của Hàn Quốc sắc bén thì có thể họ đã mở tỷ số, không biết thế trận khi đó sẽ ra sao.
Nhìn lại thành tích của các đội bóng châu Á qua lượt trận đầu tiên có thể chia ra làm hai phần. Đầu tiên là thất bại bế tắc của chủ nhà Qatar trước đội bóng trung bình Ecuador và trận thua tan tác của Iran trước Anh. Sau đó là sự quật khởi liên tiếp của Ả Rập Saudi trước Argentina, Nhật trước Đức rồi khép lại là trận đấu của Hàn Quốc với Uruguay. Riêng Úc thì tuy đại diện cho châu Á nhưng họ thực sự là những người châu Âu nên tạm thời không tính vô. Với 2 thắng, 1 hòa, 2 bại thì bóng đá châu Á cũng không đến nỗi nào nếu nhìn sang châu Phi khi cả 5 đại diện của lục địa này đều không tìm được chiến thắng, thậm chí chỉ mỗi Ghana là ghi được bàn thắng.
Ở đây, tôi muốn tập trung vào hai đội Nhật và Hàn Quốc vì đó là mô hình bóng đá mà chúng ta đang hướng tới. Về mặt tố chất và di truyền thì nền tảng con người Việt Nam cũng có nhiều nét giống so với các nước Đông Á hơn. Để thành công như họ thì chúng ta có thể học tập họ tốt hơn là học theo cách chơi của các đội Tây Á, vì tố chất con người không giống nhau.
Thành công của các đội bóng Đông Á gần đây chính là việc nâng cao thể lực để đua tranh sòng phẳng với các đội Âu, Mỹ. Nếu theo dõi World Cup của thế hệ cầu thủ trước thì chúng ta có thể thấy Nhật hay Hàn Quốc thường bị tra tấn thể lực và hụt hơi về cuối trận. Nhưng hiện giờ thì điều này không còn đúng nữa.
Thể lực của Nhật tốt đến mức họ có thể bung sức chơi trong hiệp 2, dùng tốc độ để khoan thủng hàng thủ Đức trong bàn thắng thứ hai. Còn Hàn Quốc nhờ thể lực tốt nên nhiều thời điểm có thể áp đặt thế trận lên Uruguay, khiến đội bóng 2 lần vô địch thế giới phải chơi phòng ngự. Nhờ có sức rướn, sức bật tốt, các cầu thủ Đông Á không hề thua kém trong tranh chấp tay đôi. Nhờ sức bền, các cầu thủ Hàn và Nhật có thể đua thể lực sòng phẳng đến cuối trận.
Bóng đá Việt Nam trước đây cũng từng trải qua ác mộng về thể lực. Không cần phải ra sân chơi lớn mà ngay tại các giải trong khu vực, các cầu thủ của chúng ta thường rơi vào trạng thái cạn pin vào nửa cuối hiệp 2. Nhưng những thành công gần đây của bóng đá Việt Nam cho thấy chúng ta phần nào khắc phục được bài toán thể lực.
Như tại giải U.23 châu Á tại Thường Châu 2018, Việt Nam phải đá liên tục 3 trận với cả 2 hiệp phụ nhưng các cầu thủ vẫn chạy hăng hái đến hết trận. Tại các giải SEA Games hay AFF Cup thì khỏi nói, chúng ta dùng chính thể lực để trị lại các đối thủ cơ bắp như Indonesia trước kia. Áp dụng các bài tập nâng cao thể lực hiệu quả, biết cách phân phối thể lực một cách hợp lý chính là điều mà tôi khâm phục HLV Park Hang-seo.
Chính vì vậy, khi nghe HLV Park Hang-seo vừa than cầu thủ Việt Nam đang cạn kiệt thể lực và tinh thần vì V.League trước AFF Cup thì tôi rất lo ngại. Và tôi còn lo ngại hơn nếu sau khi HLV Park rời đi, tuyển Việt Nam không tìm được một HLV biết cách giúp Việt Nam duy trì một lối chơi phân phối năng lượng hiệu quả.