Ba nền tảng công nghệ trong du lịch ảo thánh địa Mỹ Sơn

Du lịch - Ngày đăng : 16:35, 17/11/2022

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đã được đưa vào vận hành trong hệ thống Metaverse gần 1 tháng nay, giúp du khách dù ở bất kỳ đâu cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu thánh địa này.

Hệ thống "Mỹ Sơn Metaverse" được xây dựng dựa trên 3 nền tảng công nghệ.

1. Không gian trải nghiệm bằng VR360. Nền tảng công nghệ với các dữ liệu thu thập từ thiết bị bay (drone) và các thiết bị chụp chuyên dụng nhằm xây dựng góc nhìn 360 độ, kết hợp với công nghệ AI để người dẫn chương trình thuyết minh theo từng địa điểm, bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Công nghệ này giúp du khách tham quan, trải nghiệm trực tuyến không khác nhiều so với thực tế.

2. Metaverse spy là công nghệ được lập trình bằng hình vẽ không gian 3D dựa trên tỷ lệ thực của Mỹ Sơn, giúp du khách có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp bằng nhân vật thay thế - đại diện (avatar).

3. Map 3D được xây dựng với tỷ lệ, vị trí thực tế của Mỹ Sơn để khách tham quan dễ dàng sử dụng.

Nhờ 3 nền tảng công nghệ này mà du khách khắp nơi có thể trải nghiệm trực tuyến tham quan ảo, du lịch ảo thánh địa Mỹ Sơn bất kỳ khi nào, ở bất kỳ đâu và trên nhiều thiết bị thông dụng như điện thoại, máy tính, iPad, kính VR…

Trước đó, ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam - cho biết, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng công nghệ đang là mục tiêu của di sản này: “Mọi người sẽ đến Mỹ Sơn trực tiếp hoặc thông qua nền tảng công nghệ, không chỉ giúp giới thiệu được Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn mà còn mang lại những lợi ích kinh tế trong quá trình thực hiện nền kinh tế số”.

thanhdia2.jpg
Thánh Địa Mỹ Sơn trên công cụ VR360 

Thời gian qua, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã triển khai nhiều dự án đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Điển hình như số hóa hiện vật được bảo quản tại di tích và bảo tàng, đề án thuyết minh đa ngôn ngữ, dịch vụ Internet banking, quét mã QR...

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã thay đổi quá trình quản lý, giá trị di sản được phát huy tích cực, góp phần đáng kể thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế", Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết thêm.

Hiện, các vị trí tham quan của Mỹ Sơn đã được số hóa vào hệ thống nên có thể tích hợp vào website của Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và các kênh quảng bá khác như mạng xã hội. Người dùng dễ dàng trải nghiệm trực tuyến ở mọi nơi, mọi vị trí của khu di sản thông qua các thiết bị máy tính, di động, kể cả dùng các loại kính chuyên dụng để có góc nhìn trực quan và sinh động nhất.

Chính công nghệ thực tế ảo không gian 3D cho phép số hóa các địa điểm, di tích lịch sử chân thật 100%, tỉ lệ chính xác và sống động. Đây vừa là công cụ quảng bá khu di tích lịch sử hiệu quả, vừa là dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc bảo tồn và phục hồi kiến trúc trong tương lai.

Thánh địa Mỹ Sơn là khu di tích lịch sử thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây cách thành phố Hội An 45 km, thành phố Đà Nẵng 68 km và cố đô Huế khoảng 145 km. Với kiến trúc đặc trưng gồm nhiều đền đài Chăm Pa, thánh địa Mỹ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn của nền văn hóa cổ xưa, trở thành một địa điểm độc đáo mà du khách nên ghé thăm.

disan1.jpg
Chính công nghệ thực tế ảo không gian 3D cho phép số hóa các địa điểm, di tích lịch sử chân thật 100%

Vào năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sau Phố cổ Hội An thì thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thứ hai tại Quảng Nam thu hút hàng ngàn du khách từ trong và ngoài nước thăm quan mỗi năm, đặc biệt là những bạn trẻ mong muốn tìm hiểu về nền văn hóa Chăm Pa cổ xưa cách nay hàng thế kỷ trước.

Thiên Di