Xuất khẩu phân bón có thể vượt mốc 1 tỉ USD năm 2022: Vừa mừng, vừa lo

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:20, 14/11/2022

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam có thể vượt qua mốc 1 tỉ USD trong năm 2022.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 xuất khẩu phân bón đạt 160 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD, không biến động về lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với tháng 9. Trước đó, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 9 đạt 161 nghìn tấn, tương đương 94 triệu USD,

Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch gần 973 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, sau 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 73% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.

Trong tháng 10 giá xuất khẩu phân bón đã giảm 37 USD/tấn so với tháng 9 và giảm hơn 28% so với mức đỉnh tháng 1, xuống còn 547 USD/tấn. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, giá phân bón xuất khẩu đi xuống. Tuy nhiên, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, giá phân bón có thể tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Nhìn chung, thị trường thế giới có chuyển biến tích cực, mức giá đang rất tốt, nên không ít doanh nghiệp cho rằng năm nay xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh.

Nếu như tháng 7, giá phân bón trong nước giảm nhẹ thì thời gian gần đây chính vì thị trường thế giới đang tốt, tỉ giá USD lại tăng, rất thuận lợi cho việc xuất khẩu, điều đó khiến giá phân bón trong nước tăng trở lại, tăng ước khoảng từ 10.000 - 50.000 đồng/bao.

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh chủ yếu nhờ các thị trường như Ấn Độ tăng gấp 12 lần với 255.000 tấn, tăng gấp 3,6 lần ở thị trường Hàn Quốc với 85.000 tấn và tăng 20% với 836.000 tấn ở ASEAN. 

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam có thể vượt qua mốc 1 tỉ USD trong năm 2022.

Tuy xuất khẩu phân bón trong 10 tháng đầu rất ấn tượng nhưng các nhà hoạch định chính sách cần phải thận trọng. FAV lý giải, sở dĩ quý 3 xuất khẩu tăng vì trong nước thấp điểm sử dụng phân bón, trong khi giá thế giới tăng thì khuyến khích cho doanh nghiệp xuất khẩu là tốt. Nhưng đến tháng 11, miền Nam vào vụ, tháng 12 và tháng 1 năm sau ở miền Bắc sẽ cần dùng nhiều phân bón. Nếu không có biện pháp điều hành thì nguy cơ thiếu hụt phân bón dẫn đến tăng giá trong nước sẽ gây khó cho bà con nông dân.

Để trấn an nỗi lo thiếu phân bóng khi vào mùa vụ, đại diện FAV cho biết các doanh nghiệp sản xuất phân urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn. Do đó, các nhà máy phân bón đang tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu vụ Đông - Xuân trong nước và tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho Việt Nam.

H.Đ