Thước phim hiếm có về trận hỗn chiến giữa những con bạch tuộc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:55, 14/11/2022
Các nhà nghiên cứu ở Vịnh Jervis, Australia, đã sử dụng camera dưới nước để theo dõi hành vi của quần thể bạch tuộc hoang dã trong vài ngày. Họ đã báo cáo kết quả trong một bài báo xuất bản trên tạp chí PLOS One vào hôm 9.11.
Peter Godfrey-Smith, Giáo sư tại Đại học Sydney, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói với Newsweek: “Việc ném, đẩy hoặc phóng các vật thể là rất hiếm trong vương quốc động vật. Để đẩy một vật thể ở dưới nước, ngay cả trong một khoảng cách ngắn, là điều đặc biệt hiếm và khó thực hiện”.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy, những con bạch tuộc thu thập các vật thể như bùn, vỏ sò và tảo bằng các cánh tay sau đó “ném” chúng bằng lực đẩy phản lực. Godfrey-Smith nói: “Hầu hết các cú ném không trúng bất kỳ con bạch tuộc nào khác và không nhằm mục đích nào. Nhưng một số có vẻ như có nhắm vào mục tiêu”.
Bạch tuộc gloomy (Octopus tetricus) thường được tìm thấy ở các vùng biển cận nhiệt đới phía đông Australia và New Zealand. Godfrey-Smith nói rằng biệt danh của loài bạch tuộc này được lấy cảm hứng từ “cái nhìn thế giới ảm đạm” trong đôi mắt chúng.
Bạch tuộc nói chung không có tính xã hội cao. Chúng đi săn một mình, chiến đấu sau cuộc đụng độ và đôi khi ăn thịt lẫn nhau. Tuy nhiên, nguồn thức ăn ở Vịnh Jervis rất dồi dào và nơi trú ẩn thích hợp ở khu vực xung quanh khá khan hiếm. Kết quả là quần thể bạch tuộc trong vùng buộc phải sống gần nhau.
Trong điều kiện chật chội này, chúng cần phải nỗ lực để đánh dấu lãnh thổ của mình. Trước đây, chúng đã được quan sát là đứng cao hơn các đối thủ và màu cơ thể sẫm lại để trông có vẻ đáng sợ hơn. Trong nghiên cứu mới, những con bạch tuộc sẫm màu ném mạnh hơn và có nhiều khả năng trúng người những con khác hơn.
Godfrey-Smith nói: “Rất khó để biết về ý định của một con vật như thế này. Tôi nghi ngờ hành vi này giống như một sự khẳng định về không gian cá nhân”.
Bạch tuộc trước đây đã được chứng minh là sử dụng lực đẩy phản lực để làm sạch các mảnh vụn và thải thức ăn ra khỏi hang ổ của chúng. Tuy nhiên, đoạn phim cho thấy cánh tay của bạch tuộc ở một vị trí đặc biệt khác thường khi ném đồ vật vào những con khác.
“Ném trúng đích là một hành vi không phổ biến ở động vật và được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của con người. Nó có lẽ đã trở thành hành vi quan trọng trong việc săn bắt các loài động vật lớn hơn, chẳng hạn như việc ném giáo”, Godfrey-Smith nói.
Ném vào mục tiêu cũng được ghi nhận ở một số lượng nhỏ động vật có tính xã hội như tinh tinh, voi, cầy mangut và chim. Thước phim cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy bạch tuộc có thể thực hiện hành vi mang tính xã hội và có chủ đích.