Thử thách lớn với thị trường bất động sản ĐBSCL
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:07, 13/11/2022
Tình cảnh này không phải chỉ riêng Cần Thơ, các tỉnh trong vùng đều như vậy. Anh Nguyễn Văn Hùng, một nhà đầu tư dự án BĐS có kinh nghiệm ở ĐBSCL cho biết: “Hiện nay, các tỉnh trong vùng đều gặp khó khăn về thị trường BĐS. Không có dự án cấp mới, lý do dự án mới phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi đó, nhiều dự án triển khai vài năm qua chưa qua đấu giá quyền sử dụng đất đang “sống dở, chết dở” vì quyết định đầu tư, giao đất cho dự án không đúng pháp lý. Mỗi tỉnh trong vùng có từ 5-10 dự án có quyết định đầu tư, chủ dự án triển khai 5-7 năm nay, đã hoàn thành hạ tầng nhưng nộp tiền sử dụng đất không được. Từ đó không làm sổ đỏ được cho dân “Hợp đồng góp vốn”. Theo quy định mới, không nộp tiền sử dụng đất thì dự án chưa đủ điều kiện giao dịch, chủ đầu tư phải nằm chờ. Phần lớn chủ dự án sử dụng "tiền vay, bạc hỏi" để đầu tư, thị trường BĐS trầm lắng, dự án không có sổ đỏ, nhiều chủ đầu tư như ngồi trên lửa”.
Tại An Giang, nơi có từ 10 -15 dự án có chủ trương đầu tư, tuy nhiên, khi chủ đầu tư đã thực hiện giải phóng mặt bằng xong, mỏi mòn chờ quyết định đầu tư của tỉnh. Lý do, hiện nay tỉnh An Giang không dám giao đất có thu tiền sử dụng đất. Còn đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ có nhiều rắc rối phát sinh. Vì khi doanh nghiệp đã ra tiền bồi hoàn, giải tỏa, cam kết tái định cư theo thỏa thuận với dân rồi. Nếu đấu giá, doanh nghiệp bỏ tiền ra bồi hoàn, giải tỏa, cam kết tái định cư không trúng đấu giá quyền sử dụng đất thì sao?
Ông Lê Tình, một nhà đầu tư dự án ở huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: "Sau khi giải phóng mặt bằng 100% đất dự án có chủ trương đầu tư. Hơn 1 năm nay tôi chờ quyết định đầu tư dự án nhưng tỉnh An Giang chưa giải quyết. Ngay cả các đoàn công tác của Trung ương đi vào An Giang, xem xét, tháo gỡ khó khăn nhưng không xong. Khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Không chỉ 1 dự án này, nhiều dự án trên địa bàn An Giang cũng đang gặp khăn chung như vậy".
Tại Sóc Trăng, nơi có hàng chục dự án lớn nhỏ khu dân cư, khu tái định cư, tuy nhiên, rất nhiều dự án hiện nay chưa “sạch” pháp lý. Vì vậy, nhiều dự án kéo dài 10-20 năm vẫn chưa ra được sổ đỏ cho dân mua nền. Một chủ dự án không muốn nêu tên cho biết, tại Sóc Trăng hiện nay, dự án không vướng pháp lý, dân mua nhà, mua đất có sổ đỏ trao tay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
TS Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu không làm sạch nhóm làm sai pháp lý thì không tạo được giải pháp thực sự thúc đẩy thị trường bất động sản. Vì vậy, tình trạng dự án BĐS chưa "sạch" pháp lý rất phổ biến trên cả nước.
Cũng theo ông Đinh Thế Hiển, nhiều chuyên gia đã cảnh báo khoảng 70% nhà đầu tư trên thị trường là lướt sóng, đầu cơ. Họ mua BĐS để lướt sóng, kiếm lời. Họ vay vốn ngân hàng mua BĐS không để ở, cho thuê. Khi thị trường khó khăn, thiếu vắng người mua vì đa số mua ở dạng lướt sóng giờ không còn tiền mua tiếp. Phần lớn người mua nhà đất đang chờ giá xuống để mua. Tâm lý chờ đợi đang là lực cản lớn với người mua nhà đất.
Hiện nay vốn cho thị trường BĐS là vấn đề khó. Nhiều ngân hàng siết tín dụng BĐS, người dân không vay được tiền mua nhà đất. Nếu vay được thì vay với số tiền 1-2 tỉ đồng. Ông Nguyễn Minh Trí, một doanh nghiệp BĐS ở Cần Thơ cho biết: “Ngân hàng bây giờ cho vay ít, khi giải ngân bên ngân hàng "ép người mua bảo hiểm" với số tiền bằng 5-10% giá trị tiền vay. Người vay không đồng ý thì ngân hàng tìm cách làm khó người vay bằng cách này, cách khác".
Ông Nguyễn Trần Vinh Quang, Giám đốc Công ty Nam Miền Tây cho biết, khi thị trường khó khăn như hiện nay, nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xuống thêm nữa mới mua nhà đất. Tuy nhiên, giá nhà đất thời gian qua không giảm, chỉ có thiếu vắng người mua.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển, cho biết: “TP.Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh ở ĐBSCL hiện nay không cấp mới dự án do Chính phủ mới thông qua quy hoạch ĐBSCL. Các tỉnh phải cập nhật, tích hợp cho phù hợp với quy hoạch mới. Việc này đòi hỏi phải có thời gian. Các dự án BĐS được cấp chủ trương đầu tư mới hiện nay phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này cũng đang phát sinh nhiều khó khăn vì trong giai đoạn chuyển tiếp. Về định giá đất, hiện nay nhiều tỉnh thành đang ách tắc. Việc định giá đất nếu sai từ 100 triệu đồng trở lên theo Thanh tra Chính phủ, người phê duyệt giá đất sẽ bị sai phạm về pháp lý".
Từ những vấn đề nêu trên, cộng với việc đói vốn từ ngân hàng, thị trường bất động sản ĐBSCL đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Điều này cần sự tháo gỡ căn cơ hơn từ Trung ương để dòng chảy thị trường BĐS trở lại là bình thường trong nền kinh tế đất nước.