Cần Thơ tính nhập hàng triệu m³ cát để triển khai dự án cao tốc qua 4 tỉnh ĐBSCL

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:15, 11/11/2022

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dự kiến cần khoảng 5 triệu m³ cát san lấp, hơn 600 ngàn m³ cát xây dựng để phục vụ cho đoạn dài 37km. Cần Thơ đang tính toán, trong đó có phương án nhập cát.

Ngày 11.11, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Lê Quang Hùng có buổi làm việc với UBND TP.Cần Thơ về tình hình triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1. Trong đó, dự án thành phần 2 qua địa bàn TP.Cần Thơ.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có mức đầu tư dự kiến hơn 44.690 tỉ đồng, tổng chiều dài hơn 188km, đi qua các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và được chia làm 4 dự án thành phần vận hành độc lập. Trong đó, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ với chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.845 tỉ đồng.

ct-cd-ct-st.jpg
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần một lượng cát khổng lồ đề thực hiện - Ảnh tư liệu

Theo báo cáo, dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư. Hiện nay, địa phương đã hoàn thành cắm cọc giải phóng mặt bằng được 90%.

Dự án đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất;  Điều tra, thu thập các số liệu và thực hiện xong công tác quan trắc, lấy mẫu thí nghiệm các thông số về môi trường phục vụ cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, để triển khai dự án thành phần 2, địa phương cần lượng cát lớn để san lấp cũng như xây dựng. Cần Thơ đã chủ động tìm phương án, trong đó có tính toán đến việc nhập cát.

“Tỉnh An Giang lo không nổi cát cho Cần Thơ; Đồng Tháp thì đang cân đong, đo đếm chưa có ý kiến trả lời. Cát biển ở Sóc Trăng và Kiên Giang thì chúng tôi có tính đến nhưng chưa thật sự ổn. Đoàn khảo sát cũng đã đến Campuchia để xem cát ở đây và đang tính toán chi phí vận chuyển. Cái khó bây giờ là chọn cát gì cho phù hợp, đạt tiêu chuẩn và giá cả cỡ nào. Đây là những cái khó vẫn chưa có lời giải”, ông Hè nói.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay đang thí nghiệm để sớm có vật liệu thay thế. Tuy nhiên, đây là vấn đề kinh tế, kỹ thuật, cần có tiến độ. Cho nên, theo Thứ trưởng, triển khai thì vẫn triển khai nhưng vật liệu hiện tại thì vẫn cần để san lấp chứ không thể dừng để chờ vật liệu thay thế. Chủ đầu tư phải tính rõ phương án tìm vật liệu xây dựng và dự kiến kinh phí ngay từ đầu. Nếu để dự án khởi công rồi, tổng kinh phí phát sinh vì giá vật liệu thì rất khó giải quyết nên chủ đầu tư cần tính toàn thật kỹ.

Khó khăn của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là xác định nguồn vật liệu cát đắp nền.

Hiện nay, nguồn cát đủ tiêu chuẩn sử dụng tập trung ở khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp. Nguồn cát khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu có hàm lượng bùn sét cao từ 35 – 48%, nếu sàng rửa có thể sử dụng được cho dự án. Tuy nhiên, do tỷ lệ hao hụt cao nên dẫn đến giá thành tăng, đồng thời hiện nay chưa có định mức cho công tác sàng rửa cát nên khó khăn trong quá trình xác định dự toán chi phí thực hiện.

Nguyên Việt