Phát hiện xác tàu La Mã 2.000 năm tuổi dưới đáy biển Croatia

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:10, 09/11/2022

Các nhà khảo cổ học làm việc tại bến cảng cổ xưa Zadar ở di chỉ Barbir đã phát hiện ra xác một con tàu La Mã từ thế kỷ thứ 1. Tàu gỗ nằm ở độ sâu khoảng 2m dưới biển và được bảo quản tốt nhờ vùi trong cát suốt thời gian dài.
xac-tau1.jpg
Tàu gỗ La Mã chìm dưới biển 2.000 năm

Bến cảng cổ xưa Barbir được phát hiện vào năm 1973 nhưng trong một thời gian dài chỉ được ghi chép sơ lược nhờ vào nghiên cứu của Boris Ilakovec. Chỉ đến năm 2017, các nhà khoa học mới bắt đầu triển khai những chuyến nghiên cứu mới và chi tiết hơn tại đây.

Theo Mladen Pešić, trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ Dưới nước Quốc tế (ICUA), việc này được tiến hành song song với nghiên cứu về dinh thự La Mã trên đất liền. Công trình trên đất liền đã bị phá hủy phần lớn do các dự án xây dựng hiện đại, tuy nhiên một phần của khu vực dưới biển vẫn được bảo tồn tốt.

Hỗ trợ ICUA là Viện Khảo cổ học Đức, Đại học Oxford, Đại học Zadar và Bảo tàng Khảo cổ học. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra con tàu La Mã ẩn mình dưới lớp cát ở vùng biển ngoài khơi Sukošan, Croatia. Con tàu làm bằng gỗ và dù các phần bên ngoài đã bị hà đục gỗ phá hủy, phần còn lại vẫn được bảo quản rất tốt nhờ vùi trong cát. Hiện tại, nhóm chuyên gia đã khai quật một phần tàu rộng 3m và dài 9m.

Video quá trình khai quật xác tàu La Mã

Ban đầu con tàu được xác định niên đại vào thế kỷ thứ 2, nhưng sau đó xác định lại là thế kỷ thứ 1 gắn liền với việc xây dựng giai đoạn đầu của bến cảng. Sau đó, Viện Khảo cổ học Đức và Đại học Zadar đã giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Do con tàu nằm dưới độ sâu chỉ 2m nên mỗi đội thợ lặn có thể làm việc dưới nước trong gần 2 giờ, giúp đẩy nhanh việc tìm kiếm và khảo sát.

“Với nghiên cứu này, chúng tôi đã tiếp cận được một nửa con tàu. Mỗi phần đều được đánh dấu, chụp ảnh và dựa vào đó, sau này chúng tôi sẽ dựng bản thiết kế chính của con tàu. Không giống như hầu hết tàu cổ bị chìm và biến dạng dưới đáy biển, con tàu này vẫn giữ được hình dạng của nó. Toàn bộ phần vỏ đã được bảo tồn và điều đó thật tuyệt vời”, Pešić nói.

excavation_28.jpg
Khu vực khai quật con tàu - Ảnh: Zadarski

“Chúng tôi đã gửi mẫu từ tất cả các phần bằng gỗ để phân tích ở Pháp. Bằng cách xác định vật liệu, chúng tôi sẽ biết được con tàu được đóng tại địa phương hay từ các vùng khác. Chúng tôi từng tìm thấy nhiều vật liệu có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, Hy Lạp, Ý và châu Phi tại cảng”, Pešić cho biết thêm.

Phần nửa sau của con tàu sẽ được khai quật trong giai đoạn nghiên cứu mới bắt đầu vào năm sau. Khu vực này sẽ được bảo vệ bằng cát, vải địa kỹ thuật và đá. Điều này giúp bảo vệ xác tàu trước các tác động của đại dương, giống như cách con tàu đã tồn tại cho đến ngày nay. Các nhà khảo cổ hy vọng sẽ trưng bày con tàu tại bảo tàng trong tương lai vì di sản văn hóa của Croatia cho đến nay vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Long Hải