iPhone 14 gặp khó ở Trung Quốc ngay cả khi giá giảm sâu gần Ngày độc thân

Thế giới số - Ngày đăng : 11:15, 04/11/2022

Dòng iPhone 14 của Apple đang gặp khó khăn trên thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nơi doanh số hàng tuần gần đây nhất của họ đã giảm 1/3 so với năm ngoái, theo công ty nghiên cứu Jefferies.

Doanh số bán ra của 4 mẫu iPhone 14 tại Trung Quốc trong 38 ngày đầu tiên có mặt trên thị trường đã giảm 28% so với iPhone 13, với dữ liệu gần đây nhất cho thấy mức giảm đến 33%, theo một lưu ý hôm 4.11 từ các nhà phân tích Jefferies dẫn đầu bởi Edison Lee.

Từng được chứng minh là bền bỉ hơn trong năm nay, iPhone 14 Pro và Pro Max đắt tiền hơn cũng mất hút.

Thị trường smartphone toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay.

Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại, màn hình và bộ nhớ lớn nhất thế giới, cho rằng doanh số bán thiết bị cầm tay đang giảm ở Trung Quốc là một lực cản với hoạt động kinh doanh linh kiện của họ.

Trung Quốc cũng đang đặt ra những thách thức tiềm tàng cho Apple về mặt cung ứng, khi nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng do hàng ngàn công nhân rời đi do lo sợ nhiễm SARS-CoV-2 mà không được chăm sóc và chất lượng bữa ăn kém.

Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, làm ra 70% lô hàng iPhone trên toàn cầu.

Foxconn sản xuất hầu hết smartphone tại nhà máy ở Trịnh Châu, với khoảng 300.000 công nhân, dù có các cơ sở sản xuất khác nhỏ hơn ở phía nam Trung Quốc và Ấn Độ.

Hôm 2.11, Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu thông báo về việc phong tỏa, đặt ra câu hỏi về tác động của nó với việc Foxconn nỗ lực dập tắt sự bất mãn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu là một khu kinh tế dựa trên sân bay được phát triển xung quanh Sân bay Quốc tế Tân Chính Trịnh Châu, Trung Quốc. Nó có diện tích 415 km2, nằm cách thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam khoảng 25 km về phía đông nam. Trong khi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu là cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu cho biết sẽ áp đặt các biện pháp "quản lý im lặng" có hiệu lực ngay lập tức, bao gồm cấm tất cả người dân ra ngoài và chỉ cho phép các phương tiện đã được phê duyệt đi lại. Các biện pháp sẽ được giữ nguyên cho đến ngày 9.11.

Thông báo của Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu không nêu rõ các biện pháp có thể được áp dụng như thế nào với Foxconn.

Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu từng phong tỏa vào cuối tháng 4 trong 14 ngày. Foxconn cho biết vào thời điểm đó, hoạt động sản xuất của họ tại nhà máy vẫn bình thường.

Theo phân tích của Jefferies trước đó, không như các thương hiệu nội địa Trung Quốc, dòng iPhone 14 vẫn duy trì sức hút và tăng doanh số bán hàng lên 5,7% trong ba tháng tính đến tháng 9.

Đại diện của Apple đã không trả lời câu hỏi về chuyện này.

Doanh số dòng iPhone 14 vài tuần đầu tiên đã đặt ra giai điệu cho kế hoạch sản xuất và định giá của Apple trong thời gian còn lại trong năm. Theo Jefferies, việc giảm giá dòng iPhone 14 cho lễ hội mua sắm Ngày độc thân vào 11.11 dường như sâu hơn và rộng rãi hơn so với năm ngoái. Người mua sắm trên trang bán lẻ Tmall của Alibaba có thể được giảm giá 400 nhân dân tệ cho iPhone 14 khi lễ hội đến gần.

Phần lớn người mua dòng iPhone 13 trên Tmall năm ngoái có khả năng không được giảm giá. Song giảm giá năm nay dành cho tất cả mọi người. Ngay cả việc giảm giá một vài điểm phần trăm cũng không giúp ích gì cho nhu cầu với các mẫu máy không phải Pro với mức giá/hiệu suất kém hấp dẫn. Thị trường điện thoại đã qua sử dụng đang phát triển và tâm lý người tiêu dùng yếu”, Edison Lee và các đồng nghiệp của ông viết.

apple-gap-kho-voi-dong-iphone-14-o-trung-quoc.jpg
Dòng iPhone 14 không bán chạy ở Trung Quốc như Apple mong đợi

Công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết Apple đã giảm sản lượng iPhone 14, iPhone 14 Plus do nhu cầu thấp và tăng sản xuất các mẫu iPhone 14 Pro hơn.

Báo cáo cho biết thị phần dòng iPhone 14 Pro đã tăng lên 60% tổng sản lượng dòng iPhone 14 so với kế hoạch ban đầu là 50% và có thể tăng lên 65% trong tương lai.

TrendForce cũng cho biết lãi suất ở Mỹ tăng có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, gây suy yếu nhu cầu với iPhone trong quý 1/2023. Điều này có thể dẫn đến sản lượng iPhone giảm 14% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 52 triệu chiếc.

iPhone 14 và iPhone 14 Plus giữ nguyên thiết kế tai thỏ từ thế hệ trước. Trong đó, iPhone 14 Plus có màn hình OLED 6,7 inch, dùng chip A15 Bionic tương tự dòng iPhone 13 nhưng với 5 nhân GPU, giúp tăng khả năng xử lý đồ họa.

Một số tính năng mới trên iPhone 14 và Plus như gửi tin nhắn khẩn cấp qua vệ tinh, camera selfie hỗ trợ tự động lấy nét, chế độ quay video chống rung (action mode).

Trong khi đó, iPhone 14 Pro sở hữu nhiều nâng cấp đáng giá với dải khuyết viên thuốc cùng tính năng Dynamic Island, chế độ màn hình luôn bật, chip xử lý A16 Bionic và camera chính 48 megapixel.

Vì thế mà nhu cầu với các mẫu iPhone 14 Pro hay Pro Max mạnh hơn phiên bản tiêu chuẩn và Plus. Trong ít nhất một trường hợp, nhà cung cấp chính của Apple đang chuyển năng lực sản xuất từ ​​iPhone 14 giá thấp hơn sang các mẫu cao cấp.

Foxconn được cho đã tháo dỡ các bộ phận trong dây chuyền sản xuất mẫu iPhone 14 tiêu chuẩn ở Trung Quốc và chuyển sang Pro, theo một báo cáo của tờ China Securities Journal.

Oppo, Vivo và Xiaomi thất bại trong quý 3 ở Trung Quốc, Apple thắng lớn nhờ iPhone 14 Pro

Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, Apple là hãng chiến thắng duy nhất trong số các nhà cung cấp smartphone ở Trung Quốc trong quý 3/2022.

Doanh số iPhone 14 Pro mạnh mẽ tương phản rõ rệt với hiệu suất yếu kém của các thương hiệu Trung Quốc.

Doanh số smartphone tổng thể ở Trung Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3/2022, theo dữ liệu được công bố hôm 27.10.

Canalys cho biết Apple đã công bố mức tăng trưởng doanh số 36% trong giai đoạn này so với cùng kỳ năm ngoái nhờ iPhone 14 Pro. Ngược lại, các thương hiệu smartphone nổi tiếng Trung Quốc là Oppo và Vivo có doanh số lần lượt giảm 27% và 23% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, còn Honor (trước đây là đơn vị của Huawei) giảm 16%.

Xiaomi làm tốt hơn Oppo và Vivo một chút, với doanh số smartphone giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Canalys phù hợp với dữ liệu thị trường từ các nguồn khác cho thấy thị trường smartphone của Trung Quốc liên tục suy yếu.

Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ, đã công bố dữ liệu cho thấy doanh số smartphone tại nước này giảm 21,9% xuống còn 19 triệu chiếc vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, chiếm 1/4 doanh số toàn cầu. Thế nhưng, doanh số smartphone sụt giảm cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng như thế nào dưới sự kiểm soát đại dịch chặt chẽ của Trung Quốc.

Sơn Vân