Cổ phiếu chip Nhật Bản vượt trội Mỹ khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế
Thế giới số - Ngày đăng : 15:00, 01/11/2022
Điều này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tác động từ các quy định chặt chẽ hơn của Mỹ với xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
MSCI - thước đo cổ phiếu chip Nhật Bản đã tăng 14% trong tháng 10 (tốt nhất trong gần 2 năm) và gấp hơn 4 lần Philadelphia Semiconductor Index.
Philadelphia Semiconductor Index là chỉ số trọng số vốn hóa của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia bao gồm 30 công ty lớn nhất Mỹ chủ yếu tham gia vào việc thiết kế, phân phối, sản xuất và bán chất bán dẫn. Nó được tạo ra vào năm 1993 bởi Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia.
Công ty có thành tích tốt nhất Nhật Bản là Lasertec Corp, nhà chế tạo thiết bị thử nghiệm cho quá trình sản xuất chip in thạch bản cực tím. Giá cổ phiếu Lasertec Corp đã tăng 45% trong tháng 10.
Trong khi cổ phiếu chip phục hồi trên toàn cầu vào tháng trước sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay do lo ngại về việc tăng lãi suất và định giá ngành, việc Trung Quốc chịu thêm vòng trừng phạt mới từ chính quyền Biden gây thêm lo ngại cho các nhà cung cấp Mỹ.
Masahiro Wakasugi, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết cổ phiếu chip Nhật Bản đã tăng “cực kỳ tốt” vì chúng phải đối mặt với tác động tương đối hạn chế.
“Tuy nhiên, như đã thấy trong nhận xét về thu nhập từ các công ty lớn khác trên toàn cầu, nếu các hãng bán dẫn Trung Quốc ngừng đầu tư thì sau một thời gian có thể có tác động gián tiếp làm giảm nhu cầu với các nhà cung cấp khác không phải công ty Mỹ”, Masahiro Wakasugi nhận định.
Chính quyền ông Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả biện pháp cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chất bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.
Hàng loạt biện pháp (một số có hiệu lực ngay lập tức) có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Các chuyên gia cho biết các quy định mới sẽ có tác động rộng rãi, làm chậm nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình, thúc đẩy các nghiên cứu thương mại và nhà nước liên quan đến vũ khí quân sự, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip cao cấp.
Các biện pháp kiểm soát mới cũng đến vào thời điểm ngành công nghiệp chip toàn cầu đang đối mặt với “những cơn gió lớn” do nhu cầu với máy tính, smartphone cùng các thiết bị điện tử khác giảm và cảnh báo doanh thu yếu. Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể sẽ được cảm nhận được tác động tức thời.
Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho những nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến gồm chip logic dưới 16 nanomet, chip DRAM dưới 18 nanomet và chip NAND có 28 lớp trở lên, trừ khi họ có được giấy phép.
Điều đó được thiết lập để tác động đến các nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Ltd cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu được chính phủ hậu thuẫn như Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC) và Changxin Memory Technologies (CXMT).
Danni Hewson, nhà phân tích tại công ty AJ Bell, nhận định: “Các biện pháp này sẽ làm ảnh hưởng đến lĩnh vực chip của Trung Quốc, phá hỏng nhiều kế hoạch tăng trưởng và có khả năng cản trở sự đổi mới ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Sẽ có nhiều phòng tổ chức các cuộc họp cấp cao nhất trong vài ngày tới xem xét tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.
Các xưởng đúc Trung Quốc chiếm một phần nhỏ trong thị trường chip hợp đồng toàn cầu, do TSMC của Đài Loan thống trị, nhưng kiểm soát khoảng 70% thị trường nội địa, nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp chip.
Với chip bộ nhớ, những người theo dõi ngành công nghiệp đã coi YMTC và CXMT là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để thâm nhập thị trường toàn cầu, đối đầu với những đối thủ hàng đầu như Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các quy định mới hiện sẽ gây trở ngại lớn cho YMTC và CXMT.
"Sự tiến bộ của bộ nhớ sẽ bị hạn chế vì không có cơ hội nâng cấp thiết bị quy trình, không có cơ hội mở rộng sản xuất và thị trường sẽ bị mất", Gu Wenjun, người đứng đầu nghiên cứu tại công ty tư vấn ICWise có trụ sở tại Thượng Hải, viết trong một báo cáo.
Các nhà phân tích cho biết việc chặn nguồn cung cấp thiết bị cho sản xuất chip cao cấp cũng có thể có tác động phân tầng với các chip đơn giản hơn.
Với chip NAND, cùng một thiết bị được sử dụng để sản xuất NAND 128 lớp cũng có thể tạo ra NAND 64 lớp đơn giản hơn, theo Stewart Randall - người theo dõi lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc tại công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm gần 13% trong 9 tháng đầu năm 2022 khi thị trường lớn nhất thế giới về chất bán dẫn phải vật lộn với cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang với Mỹ.
Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 417,1 tỉ thiết bị vi mạch tích hợp (IC) từ tháng 1 đến tháng 9, giảm 12,8% so với 478,3 tỉ đơn vị cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 24.10.
Sự sụt giảm trái ngược hẳn với 9 tháng đầu năm 2021, khi nhập khẩu chip tăng 23,7%.
Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu chip từ tháng 1 đến tháng 9 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 316,9 tỉ USD, đồng nghĩa Trung Quốc đang mua chip với giá cao hơn.
Ngoài ra, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 24.10 cho thấy sản lượng chip nội địa giảm 16,4% trong tháng 9 xuống còn 26,1 tỉ đơn vị. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng chip nội địa giảm 10,8% xuống 245 tỉ chiếc.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới. Chip được sử dụng trong một loạt các ứng dụng từ sản xuất ô tô điện, smartphone đến các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.
Nhập khẩu chất bán dẫn ở Trung Quốc bắt đầu giảm trong hai tháng đầu năm 2022, đánh dấu mức giảm đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu Tổng cục Hải quan.
Dữ liệu thương mại sụt giảm diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bị thu hẹp. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Caixin/Markit đã giảm xuống 48,1 vào tháng 9 từ mức 49,5 trong tháng 8, mức giảm thứ hai hàng tháng liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc đã vượt qua kỳ vọng và tăng lên 50,1 vào tháng 9, từ 49,4 hồi tháng 8, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong ba tháng.
Trong tháng 9, nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc tăng nhẹ lên 47,6 tỉ đơn vị so với 44,9 tỉ trong tháng 8, kết thúc hai tháng giảm.
Khối lượng xuất khẩu chip của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 209,7 tỉ đơn vị, nhưng giá trị của chúng tăng 7,3%.
Dữ liệu thương mại suy yếu cũng cho thấy áp lực ngày càng lớn mà Trung Quốc phải đối mặt từ Mỹ trong nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn.
Chính quyền Biden đã gia tăng đáng kể các nỗ lực nhằm kìm hãm ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc 2 tháng qua, với một loạt biện pháp hạn chế quyền tiếp cận của các nhà sản xuất chip Trung Quốc với các công nghệ, thiết bị và dịch vụ tiên tiến từ Mỹ.
Cuối tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD), hai nhà cung cấp đơn vị xử lý đồ họa (GPU) lớn trên thế giới, bán chip AI tiên tiến nhất cho Trung Quốc.
Hôm 7.10, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc, bổ sung các yêu cầu cấp phép mới cho các mặt hàng và nhân sự được thiết lập để hỗ trợ sản xuất chip logic và chip nhớ tại xưởng đúc đặt ở quốc gia châu Á. Những người có quốc tịch Mỹ không được làm việc trong các dự án chip tiên tiến của Trung Quốc.
Cục Công nghiệp và An ninh cũng thêm nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc là YMTC và 30 công ty đại lục khác liên quan đến chất bán dẫn vào danh sách chưa được xác minh, khiến họ không đủ điều kiện nhận các mặt hàng theo quy định xuất khẩu của chính phủ Mỹ.
Bất chấp Bắc Kinh lên án các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và gọi đó là “chủ nghĩa bá quyền công nghệ”, các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu trên thế giới như ASML Holdings, Lam Research và KLA Corp đầu tháng 10 đã bắt đầu rút các kỹ sư Mỹ của họ khỏi việc sản xuất chip tại các công ty Trung Quốc, bao gồm cả YMTC.
TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan) đã đình chỉ sản xuất silicon tiên tiến cho công ty khởi nghiệp Biren Technology (Trung Quốc) để đảm bảo tuân thủ các quy định của Mỹ, theo một người quen thuộc với vấn đề này.
Người này cho biết quyết định có liên quan đến thông tin trong phạm vi công cộng rằng các sản phẩm của Biren Technology tốt hơn chip Nvidia A100 (hiện bị Mỹ cấm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc).
Trong khi chưa đưa ra kết luận về việc liệu các sản phẩm của Biren Technology (có trụ sở tại Thượng Hải) có đáp ứng ngưỡng hạn chế của Mỹ hay không, TSMC đã quyết định ngừng cung cấp cho công ty khởi nghiệp Trung Quốc ngay từ bây giờ.
Biren Technology, một trong những nhà thiết kế chất bán dẫn triển vọng nhất Trung Quốc, trước đó đã kết luận rằng chip trí tuệ nhân tạo (AI) do TSMC sản xuất không nằm trong các hạn chế xuất khẩu mới nhất của Mỹ vì thông số kỹ thuật sản phẩm của họ không đáp ứng tiêu chí hạn chế.
Một đại diện của TSMC cho biết công ty tuân thủ tất cả các quy tắc liên quan và từ chối bình luận thêm.
Biren Technology được coi là đối thủ cạnh tranh với chip đồ họa từ Nvidia - công ty Mỹ cho biết không còn có thể bán các sản phẩm AI tiên tiến nhất của mình sang Trung Quốc. Các biện pháp từ Mỹ được đưa ra nhằm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc về công nghệ có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội và dường như loại trừ khả năng tiếp cận các chế tạo chip tiên tiến.
Được hỗ trợ bởi IDG Capital và Walden International, Biren Technology đã tìm kiếm các quỹ đầu tư mới vào đầu năm nay với mức định giá 2,7 tỉ USD.
Bộ vi xử lý BR100 và BR104 hàng đầu của Biren Technology được thiết kế theo những đường nét tương tự như chip đồ họa mà Nvidia, AMD đã điều chỉnh cho phù hợp với mục đích AI và được sử dụng để đào tạo các mô hình cùng thuật toán AI. Chúng bao gồm thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI đàm thoại.