An Giang và những 'đặc sản' du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 15:25, 29/10/2022
An Giang là tỉnh có núi nhiều nhất Tây Nam Bộ với Thất Khê gồm 44 núi lớn, nhỏ và nhiều danh thắng như: rừng tràm Trà Sư, búng Bình Thiên, di chỉ Óc Eo (vương quốc Phù Nam xưa), đồi Tức Dụp, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng…
Vùng đất này còn là thủ phủ của các loại mắm và các loại đặc sản có thể chiều lòng những vị khách khó tính như: gỏi sầu đâu, khô rắn, cà na đập, tung lò mò (lạp xưởng), bò cạp núi, bọ rầy, “vũ nữ chân dài” chiên giòn, các sản phẩm làm từ thốt nốt, đặc sản bò… Thế nhưng, du lịch An Giang còn lắm điều lạ mà có thể bạn chưa biết.
Đua bò Bảy Núi
Được tổ chức vào dịp lễ Sena Dolta của đồng bào dân tộc Khmer (ngày 29.8 - 1.9 âm lịch hàng năm), đua bò Bảy Núi là dịp lễ quan trọng, chỉ xếp sau Chol Chnam Thmey (Tết Khmer từ 15 - 17.4 hàng năm).
Trên thế giới và Việt Nam có một số lễ hội trâu, bò khá nguy hiểm như: lễ hội đua bò San Fermin (Tây Ban Nha) - bò đuổi khách chạy thục mạng, có khi bị thương, thậm chí chết vì bò húc; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam). Ở lễ hội này trâu tham gia chọi đều bị giết, lấy thịt bán. Giá thịt trâu vô địch được bán với giá đắt đỏ. Ngoài ra, còn nguy hiểm đến tính mạng người tham gia.
Lễ hội đua bò Pacu Jawi (Tây Sumatra), Indonesia. Tại lễ hội này, người và bò đều được huấn luyện chuyên nghiệp chỉ để thi tài với nhau. Nài dùng tay bẻ đuôi, dùng miệng cắn đuôi (rất mất vệ sinh) thúc bò chạy nhanh nhất. Bò thắng cuộc được bán đấu giá và nhân giống; hay tại Mỹ có hội thi cưỡi bò “chứng” cũng khá nguy hiểm...
Đua bò Bảy Núi ở An Giang mang tính nhân văn, "vui là chính". Bò thi tham gia là bò cày, kéo nông nghiệp. Người (nài) và bò chỉ tập luyện lúc rảnh, gần đến ngày đua thì cả 2 sẽ bồi bổ thêm để có sức khỏe. Khi cuộc đua diễn ra, nài dùng “Salun” (roi mây, đầu gắn đinh nhỏ) thúc bò chạy. Phần thưởng cho bên thắng cuộc chỉ mang tính tương đối. Bên thắng vui, bên thua không buồn. Tất cả người và bò sau đó lại trở về với công việc hàng ngày và năm sau có thể tham gia thi tiếp.
Lễ hội hay, vui nhưng chưa được công nhận cấp quốc gia. Có ý kiến cho rằng nếu có thêm bò từ Campuchia, Thái Lan, Indonesia… tham gia thì cuộc thi thố sẽ hoành tráng và mang tầm quốc gia hơn. Thậm chí, có thể có thêm các nội dung như: “Bò đẹp nhất”, “Bò thông minh nhất”, “Bò khỏe nhất” và các “Guiness bò Việt”… thì cuộc đua sẽ sôi nổi hơn nữa.
"Đặc sản" xe lôi, xuồng ba lá
Trong ký ức dân Nam Bộ xa xứ, xe lôi và xuồng ba lá là bộ đôi độc đáo của vùng đất hào sảng, nghĩa tình. Bộ đôi này là kế sinh nhai của người dân nghèo và là "cần câu cơm" của biết bao người. Mấy năm gần đây, kinh tế phát triển và cả những lý do chủ quan về quản lý, xe lôi gần như biến mất còn xuồng ba lá cũng ngày càng ít đi.
Xe lôi được mô tả là xe đạp, gắn thùng chở khách hoặc hàng phía sau, là xe ba bánh, tương tự chiếc xe xích lô. Xích lô chở khách và hàng phía trước còn xe lôi phía sau. Cả xe xích lô hay xe lôi cũng thường được dùng chở khách du lịch hay dân bản địa. Đôi khi xe còn để chở hàng.
Việt Nam siết chặt quản lý nên xích lô, xe lôi tự xóa sổ. Chỉ còn một số nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM… tổ chức đội hình xích lô phục vụ du khách. Nhiều người cho rằng xích lô hay xe lôi bóc lột sức lao động nên phải thay thế. Tuy nhiên, nghề gì cũng phải bỏ sức lao động, từ tay chân tới trí óc, để kiếm sống và làm giàu, trừ những nghề phi pháp.
Xe lôi một thời vang bóng nay chỉ còn hoạt động ở Châu Đốc, An Giang. Vùng đất này đã cố giữ được cho quê hương mình nét xưa, trong đó có xe lôi để chở khách đi du ngoạn thay cho những chiếc xe điện vô hồn. Cùng với những chiếc xe lôi là những phu xe “kiên cường” bám nghề dù trăm bề vất vả, cực nhọc. Người viết bài rất ấn tượng với những đám cưới rước dâu bằng xe lôi độc đáo ở miền Tây Nam Bộ.
Còn nói về xuồng ba lá là phương tiện di chuyển cá nhân đường thủy, chủ yếu là kênh rạch. Xuồng ba lá miền Tây được cách tân từ Tam bản. Xuồng không có mui, ngắn, gọn, cơ động hơn. Không chỉ chở người, xuồng có thể dùng để giăng câu, thả lưới, đặt lờ... Xuồng có loại chèo hoặc chống, không gắn động cơ.
Trước đây, xuồng ba lá chỉ chở tối đa khoảng 3 người với tải trọng khoảng 200 kg, sau này, để phục vụ du khách, xuồng nâng cấp thành 5 - 7 lá, chở được 4 - 6 người. Từ chỗ là phương tiện kiếm sống của người dân, xuồng ba lá trở thành thương hiệu vận chuyển đặc thù của du lịch sông nước Tây Nam Bộ. Di chuyển bằng xuồng ba lá còn là bảo vệ môi trường và là trải nghiệm thú vị chỉ có ở miền Tây sông nước Việt Nam.
Đua xuồng mùa nước nổi
Đua thuyền được nhiều nơi khắp cả nước tổ chức, từ thuyền rồng, ghe ngo, tắc ráng (vỏ lãi), xuồng ba lá... Cấp tổ chức thường là huyện, thị trở nên với sông nước ổn định. An Giang là tỉnh đầu nguồn, kênh rạch ít hơn vùng hạ lưu nhưng có cuộc đua xuồng mùa nước nổi cấp xã đầu tiên cả nước nằm ở Binh Mỹ, Châu Phú.
Gắn liền với sinh hoạt, cuộc sống vùng sông nước miền Tây, cuộc đua xuồng hàng năm ở An Giang thu hút đông đảo người dân trong vùng và các khu vực lân cận đến xem, cổ vũ. Giải đua cấp xã nhưng được tổ chức bài bản, quy tụ 40 đội tham gia đến từ bốn xã Bình Long, Bình Thủy, Bình Mỹ, Bình Chánh, Huyện đoàn và Hội Nông dân huyện Châu Phú.
Các vận động viên chỉ tham gia thi đấu cho một đội, đăng ký theo danh sách và vi phạm sẽ bị loại. Tất cả đều tay ngang, chỉ tập với nhau vài bữa. “Đấu trường” là những cánh đồng nước nổi mênh mông, cạnh tuyến đường tránh quốc lộ 91 và đường Cộ Tư Sỏi ấp Bình Thành.
Buổi sáng sớm trong những ngày đua, con đường làng trở nên náo nhiệt và đông đúc lạ thường. Bà con từ già, trẻ, lớn, bé í ới gọi nhau đi xem đua xuồng ba lá. Khu vực diễn ra cuộc đua được trang trí lạ mắt. Phải đến mấy ngàn người tham gia cuộc thi này, bao gồm người thi và người xem. Với những du khách phương xa có dịp tham gia vào “đường đua” sẽ ấn tượng với những bè chuối, kết lá dừa, rộn ràng giữa bạt ngàn sông nước - nét riêng của vùng đất Nam Bộ.
Đua xuồng ba lá miền Tây Nam Bộ nếu được nâng cấp sẽ là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo. Du khách đến xem, tham gia đua xuồng (có giải riêng), thi kết và trang trí bè chuối, cỗ vũ ấn tượng... và thưởng thức ẩm thực mùa nước nổi An Giang - một vùng sông nước bình yên.