Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ghìm giữ lãi suất thực sự là việc khó khăn, thách thức
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:41, 28/10/2022
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận chiều ngày 28.10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh năm nay có nhiều khó khăn hơn nhiều so với những đánh giá vào cuối năm 2021, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới.
Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao, đồng đôla Mỹ tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm. Những diễn biến như vậy khiến Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn.
Về tình hình trong nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu.
"Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ ghìm giữ lãi suất. Đây thực sự là việc khó khăn, thách thức", bà Hồng nêu.
Cũng theo bà Hồng, trong 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, năm nay ước đạt dưới 4%.
"Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay", bà Hồng nêu.
Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, bà Hồng cho rằng, phải đánh giá tại từng thời điểm, tại từng giai đoạn để xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; phải cân đối giữa việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng cao…
Về chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đã được nhiều đại biểu nêu, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, về thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít, sự giám sát từ sớm từ xa, những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu quốc hội là hoàn toàn chính xác.
Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cung ứng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công thương phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến cái hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những cái giải pháp phù hợp.
Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu, đồng thời đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này.
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được, đặc biệt đó là thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, khó lường và vượt xa các dự báo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý điều hành xăng dầu, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Cùng với việc phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn là những vấn đề trong trung, dài hạn như tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu kịp thời, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.