Giải mã xuất nhập khẩu kỷ lục của Việt Nam và dự báo cả năm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:00, 28/10/2022

Tính đến ngày 21.10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỉ USD. Đặc biệt, xuất siêu gần 8 tỉ USD - một con số kỷ lục.

Giải mã "kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỉ USD"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có hai nguyên nhân cơ bản, đó là Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.

xuat-nhap-khau.jpg

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa thì Việt Nam có một hệ thống doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt. "Chúng ta đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới. Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Ông cho biết thêm, theo thống kê, 9 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282.3 tỉ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỉ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỉ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

"Tính đến ngày 21.10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỉ USD. Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỉ USD nữa là bằng số của năm 2021 và đến giờ này chúng ta xuất siêu gần 8 tỉ USD, đây là một kỷ lục", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%). Bên cạnh đó, những mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

"Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao", Bộ trưởng nêu rõ.

Theo đó, Bộ trưởng đưa ra giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Nhất là các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ đối với sản phẩm nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

"Nếu xuất khẩu chính ngạch thì trong mọi tình huống không bao giờ chúng ta bị thiệt hại. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xuất nhập khẩu cả năm có thể đạt trên 700 tỉ USD

Theo nhận định của Chứng khoán VnDirect và HSBC, xuất khẩu của Việt Nam đi lên là nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách chống dịch cứng rắn. Thêm vào đó, nhờ tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) đi vào thực thi trong những năm gần đây như EVFTA, CPTPP, UKVFTA... với lộ trình cắt giảm thuế quan cho nhiều ngành hàng, tiếp tục tạo bệ phóng cho xuất khẩu, kéo lượng đơn đặt hàng lớn về Việt Nam. Điều này được minh chứng khi các ngành xuất khẩu trên chục tỉ USD đều duy trì tốc độ tăng hơn 10% trở lên qua các tháng.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương dự báo, với tốc độ tăng trưởng như thời gian vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỉ USD.

Xác định từ nay đến cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam quan tâm mở rộng, tìm những đối tác mới để có thể có hiệp định thương mại tự do mới hoặc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Những khu vực thị trường như ở Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh, đây là những thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Giới chuyên gia đề xuất, để hoàn thành được chỉ tiêu xuất nhập khẩu đề ra trong cả năm 2022 thì thứ nhất, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam.

Thứ hai, cần thống nhất quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lớn từ Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.

Thứ ba, cần đa dạng hóa mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.

Tuyết Nhung