Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Nền y tế đang chao đảo

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:30, 28/10/2022

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn…

Sáng 28.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19. Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.

“Nếu hệ thống y tế không được củng cố, chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới”, ông Nghĩa nói.

nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế vì trong 9 tháng qua mới giải ngân được 20%.

Đồng thời, có nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.

“Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp”, ông Nghĩa nói.

Trước mắt, đại biểu Nghĩa cho rằng để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1.1.2023. Mặt khác, ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.

Ông Nghĩa cũng nói thêm, cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động thì phải đẩy mạnh kiềm chế lạm phát, nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời chống tham nhũng, lãng phí tài sản công.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu cho biết nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn.

tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Đại biểu Trí đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng chia sẻ: “Ý kiến của cử tri khi thể hiện với các đại biểu quốc hội chúng tôi luôn nhận được những lời phàn nàn về chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhưng ở các bệnh viện, anh em nhân viên y tế từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều nói là chúng tôi lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng và thiếu cả trang thiết bị hiện đại…

Chúng tôi đề nghị chúng ta phải khẩn cấp có những biện pháp và không biết đến bao giờ ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào trên trái đất này chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam làm sao để chúng tôi có thể chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất, chứ không phải hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự”, bà Lan nói.

Lam Thanh