Lạm phát tăng cao đe dọa sự ổn định chính trị ở châu Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 10:12, 23/10/2022
Làn sóng biểu tình và đình công mang đến nguy cơ bất ổn chính trị. Thủ tướng Anh Liz Truss vừa buộc phải từ chức sau khi kế hoạch về kinh tế của bà khiến thị trường tài chính trở nên hỗn loạn, làm nền kinh tế thêm tổn hại.
Người dân châu Âu phải trả nhiều hơn cho năng lượng và thực phẩm vì cuộc chiến tại Ukraine. Tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) cho biết, giá khí đốt giảm từ mức kỷ lục mùa hè vừa qua cùng với khoản hỗ trợ chi phí năng lượng cho hộ gia đình lẫn doanh nghiệp lên đến 576 tỉ euro (hơn 566 tỉ USD) của chính phủ các nước từ tháng 9.2021 vẫn là chưa đủ. Giá năng lượng khiến lạm phát ở 19 nước dùng đồng euro lên đến mức kỷ lục 9,9%.
Theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, hệ quả từ cuộc chiến tại Ukraine làm nguy cơ bất ổn dân sự ở châu Âu tăng mạnh. Các nhà lãnh đạo châu Âu mạnh tay viện trợ vũ khí cho Kyiv cũng như quyết tâm giảm phụ thuộc dầu khí Nga, nhưng quá trình thay đổi không hề dễ dàng và tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng.
“Không có cách khắc phục khủng hoảng năng lượng nhanh chóng. Lạm phát có vẻ sẽ tồi tệ hơn vào năm tới”, nhà phân tích Torbjorn Soltvedt thuộc Verisk Maplecroft nhận định.
Tại Pháp nơi lạm phát đang ở mức 6,2% - thấp nhất khu vực dùng đồng euro, nhân viên đường sắt, nhân viên vận tải, giáo viên trung học, nhân viên y tế bệnh viện công đầu tuần qua hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường yêu cầu tăng lương của một liên đoàn công nhân ngành năng lượng. Trước đó, công nhân ngành năng lượng cũng đình công khiến Pháp thiếu hụt xăng trầm trọng.
Vài ngày sau, đến lượt hàng nghìn người Romania biểu tình ở Bucharest tỏ ý thất vọng khi chi phí năng lượng, thực phẩm cùng nhiều nhu yếu phẩm khác tăng quá cao khiến hàng triệu người lao động rơi vào cảnh nghèo đói.
Tháng trước tại Czech, người biểu tình yêu cầu chính phủ thân phương Tây từ chức, chỉ trích chính phủ ủng hộ trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga. Họ cũng cho rằng chính phủ hành động chưa đủ để giúp đỡ hộ gia đình và doanh nghiệp đang oằn mình chịu chi phí năng lượng tăng cao.
Tuần tới sẽ có một cuộc biểu tình nữa ở Prague, nhưng hành động này chưa thể dẫn đến thay đổi chính trị. Liên minh cầm quyền vẫn giành được 1/3 số ghế thượng viện trong cuộc bầu cử tháng 10.
Công nhân đường sắt, y tá, lao động cảng biển, luật sư Anh vài tháng gần đây tổ chức hàng loạt cuộc đình công nhằm yêu cầu tăng lương cho phù hợp với mức lạm phát lên đến 10,1%. Phi công hãng Lufthansa ở Đức cùng nhân viên nhiều hãng bay và sân bay khác trên khắp châu Âu cũng đình công, làm gián đoạn hoạt động hàng không trên diện rộng.
Kế hoạch kinh tế (giảm thuế cùng hỗ trợ hàng tỷ bảng Anh giúp hộ gia đình và doanh nghiệp chi trả hóa đơn năng lượng bằng cách bỏ quy định hạn chế chi tiêu công) thất bại của Thủ tướng Truss cho thấy tình thế ngặt nghèo mà chính phủ các nước châu Âu đang gặp phải. Theo nhà phân tích Soltvedt: “Họ không có nhiều biện pháp để lựa chọn”.
May mắn là nhu cầu khí đốt sưởi ấm trong tháng 10 ít hơn thông thường nhờ thời tiết ấm hơn, nhưng nhà phân tích Soltvedt cảnh báo nếu gián đoạn nguồn cung xảy ra vào mùa đông thì bất ổn dân sự sẽ gia tăng hơn nữa.