TP.HCM đóng góp từ 25-27% ngân sách quốc gia, do đó cần có sự chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu
Sự kiện - Ngày đăng : 19:49, 22/10/2022
Ngày 22.10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề “nóng” về kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng mức giao dự toán thu ngân sách năm 2023 cho TP.HCM dường như quá sức với TP.HCM - nơi vừa trải qua đại dịch COVID-19.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, ước thu ngân sách của TP.HCM năm 2022 theo ước tính của Bộ Tài chính là 426.550 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, so với dự toán 386.000 tỉ đồng thì đã vượt thu 39.982 tỉ đồng, đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM, đóng góp rất nhiều cho ngân sách Trung ương.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu quan điểm, dự toán thu ngân sách cho TP.HCM năm 2023 trên 469.000 tỉ đồng, con số này là quá sức đối với một TP.HCM vừa vượt qua đại dịch COVID-19. Đề nghị tính toán thêm để giai đoạn 2023-2025 có thể tăng thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, để TP có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển và phát huy thêm thế mạnh của mình.
Còn theo đại biểu Trần Anh Tuấn, về ngân sách Nhà nước và dự toán ngân sách, cơ sở để đưa ra dự toán thu cho bộ, ngành, địa phương năm 2023 chưa thực sự thuyết phục. Đại biểu nêu ví dụ, TP.HCM năm nay ước tăng thu 10% so với dự toán, năm 2023 dự kiến giao thu trên 469.000 tỉ đồng, cũng tăng khoảng 10% so với 2022. Nếu chỉ căn cứ vậy để giao là quá sức với TP.HCM - một địa phương vừa ra khỏi đại dịch COVID-19 rất nặng nề.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng dự toán thu 2023 của TP.HCM lớn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp trong bối cảnh họ vừa trải qua đại dịch. Do đó đề nghị cân nhắc, không bổ đầu vì bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi. TP.HCM đóng góp từ 25-27% ngân sách quốc gia, do đó cần có sự chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) xảy ra vừa qua không chỉ tác động đến an ninh ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian tới, các dự án lớn sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Do đó, Chính phủ cần nhận diện rõ vấn đề này để bảo đảm an ninh tiền tệ.
Cùng với đó là vấn đề thiếu xăng, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa, đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ảnh hưởng vĩ mô. Chính phủ cần có giải pháp về vấn đề xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là ở TP.HCM và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có thể tính đến các hình thức dự trữ mới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xử lý tốt vấn đề trái phiếu, coi đó là vấn đề cấp bách từ đây đến cuối năm và năm sau. Cùng với đó là tín dụng ngân hàng, phải giám sát, lọc được dòng vốn, phải để chảy vào sản xuất kinh doanh chứ không phải để đảo nợ. Cần phải có chính sách lãi suất hợp lý.
Về Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Nghị quyết mới sẽ có nhiều nội dung như về cơ chế chính sách đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy - biên chế, quản lý đô thị - đất đai, quản lý xã hội, cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức, mốt số cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM…
TP.HCM phấn đấu trong tháng 11 sẽ báo cáo lần đầu với Đảng đoàn Quốc hội, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để kịp trình tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội (không chờ đến kỳ họp cuối năm 2023), để bảo đảm triển khai sớm nhất.