Rong ruổi săn loài rắn “hiền lành” nhất xứ rừng U Minh Hạ
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 06/10/2022
Trong chuyến đi tìm hiểu về rừng tràm U Minh Hạ, tôi đã gặp và quen biết với anh Hoàng (39 tuổi) ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Anh Hoàng được biết đến là một nông dân “đặc sệt” ở vùng đất U Minh Hạ bởi tính cách nhiệt tình, thật thà và mến khách.
Anh Hoàng làm đủ nghề để mưu sinh, ai thuê gì cũng nhận. Dù vậy hễ nhận công việc gì thì anh đều đặt cái tâm vào, làm chu toàn trước sau nên chẳng ai chê bai được.
Với anh Hoàng, rừng chính là máu thịt, là một phần trong cuộc sống. Khi về với rừng, về với thiên nhiên, anh Hoàng có thể lội qua các kênh mương, quanh quẩn ở rừng sâu để đặt bẫy bắt rắn, cá cả ngày mà không hề thấy mệt.
Xứ rừng tràm U Minh Hạ được bao bọc xung quanh bởi kênh mương và cây cối, đó cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều sản vật có giá trị về kinh tế. Tận dụng thế mạnh đó của rừng, anh Hoàng bắt đầu mày mò học cách làm bẫy bắt rắn. Loài rắn mà anh nhắm tới là rắn hổ hành. Theo anh Hoàng, ở khu vực gần chuồng gà, vịt mà có cây cối rậm rạp thì rắn hổ hành rất hay mò tới để bắt trộm gia cầm nên chỉ cần đặt bẫy là dính liền.
“Món ăn khoái khẩu của rắn hổ hành là chuột. Khi đặt bẫy thì trước tiên cần cho chuột vào rập rồi tìm vị trí thích hợp để đặt, sau đó đợi ít nhất 3 ngày mới đi thăm. Đặc tính của rắn hổ hành là đi kiếm mồi khi trời chạng vạng tối nên nếu nơi đó có rắn là dính liền”, anh Hoàng cho biết.
Anh Hoàng có hàng chục chiếc bẫy bắt rắn, thế nên mỗi ngày anh phải đi bắt hoặc tìm mua chuột để thả vào mỗi rập một con. Sau đó, anh đem bẫy men theo bìa rừng, tìm vị trí thích hợp để đặt bẫy.
“Bẫy rắn không có gì phức tạp, mình dùng bao quấn quanh chiếc rập rồi chọn lối mòn nghi có rắn để đặt. Khi đi tìm thức ăn, rắn sẽ đánh hơi chuột và chui vào trong bẫy ăn mồi là dính luôn”, anh Hoàng nói.
Lấy vội điếu thuốc từ túi quần, anh Hoàng nói với tôi: “Chút nữa bẫy rắn xong, anh dẫn chú đi thăm mấy chiếc rập cũ đặt từ 3 ngày trước. Nếu bẫy dính rắn là mình dễ biết lắm, quanh khu vực đó thoang thoảng mùi hành rất thơm”.
Đặt bẫy xong, anh Hoàng rủ tôi đi thăm rập rắn. Tôi cùng anh vào rừng, đi qua những khu vực rậm rạp và khi đến nơi có lau sậy đổ ngã, anh Hoàng chỉ tay nói: “Dừng dừng, ở đây có bẫy”. Sau đó, anh chui vào trong bụi rậm rồi vẫy tay gọi tôi vào xem. “Em vào đi, có rắn”.
Sau chuyến thăm rập, thành quả anh Hoàng nhận được là khoảng 2kg rắn hổ hành. Anh chia sẻ số rắn này có thể bán được hơn 600.000 đồng.
Rắn hổ hành tên khoa học là Xenopeltis unicolor, có lớp vảy ngũ sắc óng ánh và không có nọc độc. Loài này có nhiều ở miền Tây Nam Bộ. Khi tìm kiếm thức ăn, rắn hổ hành thường tấn công con mồi bằng cách quấn quanh rồi siết chặt. Đặc biệt, rắn hổ hành có khả năng kháng lại nọc của một số loài rắn độc như hổ mang, cạp nia…
Rắn hổ hành giàu dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau như xé phay, nướng mọi, nấu cháo đậu xanh… Có dịp đến với rừng U Minh Hạ và trải nghiệm cùng nông dân địa phương đi bẫy rắn hổ hành, du khách sẽ có một kỷ niệm khó quên.