Biểu tình phản đối chính phủ Iran nổ ra khắp thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 14:50, 02/10/2022
Tháng trước, Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi, đã tử vong sau khi bị "cảnh sát đạo đức" hay "cảnh sát tôn giáo" - tổ chức quyền lực có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm luật Sharia của Hồi giáo - bắt giữ vì vi phạm quy tắc trùm khăn trùm đầu trong bối cảnh Iran đàn áp trang phục của phụ nữ.
Mahsa Amini cùng gia đình du lịch từ tỉnh Kurdistan (phía tây Iran) tới thủ đô Tehran để thăm họ hàng thì bị bắt vì không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của đất nước về trang phục của phụ nữ. Amini tử vong trong bệnh viện Iran vài ngày sau khi bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc không tuân thủ các quy định về khăn trùm đầu của đất nước. Các nhân chứng cho biết, Amini bị đánh trong xe cảnh sát nhưng cảnh sát phủ nhận điều này.
Sự việc diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ban lệnh giới hạn quyền phụ nữ và kêu gọi thực thi nghiêm ngặt hơn quy định bắt buộc về trang phục của đất nước, vốn yêu cầu tất cả phụ nữ phải đội khăn trùm đầu hijab kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Liên Hợp Quốc sau đó đã kêu gọi một cuộc điều tra khách quan về cái chết của Amini. "Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực đối với phụ nữ và việc phủ nhận phẩm giá cơ bản của con người khi thực thi các chính sách trùm đầu bắt buộc do nhà nước ban hành", các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết trong tuyên bố ngày 22.9.
Cái chết của Amini đã dẫn đến một làn sóng phản đối trên khắp Iran và cả trên thế giới. Các cuộc biểu tình nổ ra lần đầu tiên tại lễ tang của cô vào ngày 17.9 đã lan đến 31 tỉnh của Iran, với tất cả các tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả các nhóm thiểu số về sắc dân và tôn giáo, đều tham gia và nhiều người kêu gọi Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei phải rời chức vụ.
Các cuộc biểu tình đã trở thành cuộc biểu thị sự phản kháng lớn nhất đối với chính quyền Iran kể từ năm 2019, với hàng chục người thiệt mạng trong tình trạng bất ổn trên khắp đất nước.
Theo Reuters, các bài đăng trên mạng xã hội cho biết các cuộc biểu tình mới đã nổ ra tại nhiều trường đại học tại Iran bao gồm cả ở thủ đô Tehran vào hôm 1.10, trong đó, một số sinh viên đòi trả tự do cho những sinh viên bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước đó.
Không chỉ ở Iran, biểu tình còn diễn ra ở một số nước như Mỹ, Đức, Hy Lạp, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ sau cái chết của Amini. Cho đến nay, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại 150 thành phố trên toàn thế giới, bao gồm thủ đô Santiago của Chile, London, Tokyo và San Francisco. Nhiều người trong số những người biểu tình là người Iran sống lưu vong.
Tại một cuộc biểu tình ở Rome, có khoảng 1.000 người tuần hành, một số đã bày tỏ sự tức giận với chế độ chính quyền ở Tehran. "Với chính quyền này, không thể nhận được nhân quyền, thế thôi. Bây giờ là thời điểm để tất cả chúng ta suy nghĩ về khả năng thay đổi sự áp bức kéo dài 43 năm nay", Sahar, một người đã sống ở Ý 10 năm, nói.
"Chúng tôi không muốn chính phủ này nữa, chúng tôi không cần lãnh tụ tối cao", Arezoo, một phụ nữ Iran sống ở Rome (Ý) trong 13 năm qua nói.
Tại thủ đô Berlin của Đức, hơn 1.000 người đã tụ tập, cầm biểu ngữ lên án chính phủ Iran, trong khi ở Lisbon (Bồ Đào Nha), khoảng 200 người đã hô vang "phản đối chính quyền Tehran".
Cựu Thủ tướng Iran Mir Hossein Mousavi, hiện thuộc phe đối lập, đã thúc giục các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn bạo lực. "Tôi muốn nhắc nhở tất cả các cơ quan thực thi pháp luật về lời thề bảo vệ đất đai của chúng ta, Iran, và tính mạng con người, tài sản và quyền của người dân", cựu quan chức bị quản thúc tại gia từ năm 2011 nói.
Chính phủ Iran phủ nhận mọi trách nhiệm về cái chết của Mahsa Amini và gọi những người biểu tình là những kẻ bạo loạn và bắt giữ hàng trăm người trong số họ.
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran đưa tin hôm 1.10 rằng, một cuộc tấn công của lực lượng ly khai có vũ trang vào một đồn cảnh sát ở một thành phố đông nam đã giết chết 19 người, trong đó có 4 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ưu tú của Iran.
Báo cáo cũng dẫn lời lãnh đạo khu vực nói rằng, 32 thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã bị thương trong cuộc tấn công hôm 30.9. Những kẻ tấn công đã trà trộn vào đám đông đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Zahedan và tấn công đồn cảnh sát gần đó.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công có liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc đang diễn ra khắp Iran, sau cái chết của Mahsa Amini hay không.