Thị trường IPO công nghệ đối mặt năm tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Thế giới số - Ngày đăng : 23:00, 29/09/2022
Nguyên nhân do sự biến động thị trường chứng khoán, lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng đã làm suy giảm tâm lý nhà đầu tư với niêm yết mới.
Theo dữ liệu của Refinitiv, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 14 hãng công nghệ đưa cổ phiếu của họ lên sàn chứng khoán, so với 12 của năm 2009. Các đợt IPO năm nay đã huy động được 507 triệu USD, số tiền thấp nhất được huy động từ các đợt mua bán cổ phiếu kể từ năm 2000.
Refinitiv là nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ-Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính, được thành lập vào năm 2018. Đây là công ty con của London Stock Exchange Group sau thương vụ bán 27 tỉ USD từ các chủ sở hữu trước đó là Blackstone Group LP nắm 55% cổ phần và Thomson Reuters sở hữu 45%.
Tổng khối lượng IPO đã giảm 90,4% trong 9 tháng đầu 2022, so với năm ngoái.
Các nhà phân tích được hãng tin Reuters phỏng vấn cho biết việc định giá thị trường chứng khoán giảm mạnh đã cản trở các hãng công nghệ theo đuổi việc ra chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Tỷ lệ P/E (giá trên thu nhập) dự phóng của chỉ số Công nghệ thông tin S&P đang giao dịch ở mức 20,18 - mức thấp nhất kể từ tháng 4.2020.
Chỉ số P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu. Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.
James Gellert, Giám đốc điều hành tại Rapid Ratings, nói: “Các nhà đầu tư tổ chức đang thay đổi phân bổ vốn, trong khi các nhà đầu tư bán lẻ đang dành thời gian lấy lại niềm tin sau thất bại. Đây là bối cảnh tồi tệ cho các đợt IPO, đặc biệt là các đợt IPO công nghệ, dựa vào thị trường tăng giá và các nhà đầu tư thuận xu thế để tăng cường gia nhập thị trường".
Rapid Ratings là hãng công nghệ SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) cung cấp thông tin về sức khỏe tài chính của các công ty công và tư trên khắp thế giới. Hệ thống phân tích của Rapid Ratings cung cấp thông tin chi tiết về các đối tác, nhà cung cấp, nhà cung cấp và khách hàng bên thứ ba.
Chỉ số IPO Renaissance, nắm bắt các đợt IPO lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất của Mỹ, đã giảm 50,4% trong năm nay, so với mức giảm 23% của chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu của Corebridge Financial, công ty đã phát động đợt IPO lớn nhất ở Mỹ trong năm nay, đang giao dịch thấp hơn khoảng 4% so với giá chào bán 21 USD hôm 28.9.
Rachel Gerring, lãnh đạo IPO châu Mỹ tại hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp Ernst & Young, cho biết kết quả hoạt động tồi tệ sau thị trường của các đợt IPO năm 2021 làm giảm sự thèm muốn từ các nhà đầu tư với cổ phiếu mới.
"Công nghệ đã bị ảnh hưởng một cách quá mức bởi sự sụt giảm định giá trên toàn thị trường. Đã có hoạt động gây quỹ đáng kể trong suốt năm 2021 trong toàn bộ lĩnh vực, cung cấp cho những người tham gia IPO công nghệ nguồn vốn cần thiết để vượt qua thời điểm đầy biến động này trên thị trường", Rachel Gerring nói.
Nhà sản xuất sữa chua Chobani (Hy Lạp) đã rút lại kế hoạch IPO tại Mỹ vào đầu tháng này, trong khi một số tên tuổi lớn khác như Reddit và ServiceTitan đã trì hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào năm nay.
Sau nhiều năm có thông tin ByteDance (công ty mẹ của TikTok) IPO, kế hoạch niêm yết vẫn chưa được công bố trong bối cảnh thị trường cổ phiếu công nghệ ảm đạm.
Tháng này, Julie Gao - Giám đốc tài chính của ByteDance nhắc lại những tuyên bố trước đây rằng công ty không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu.
Tại Mỹ, các lĩnh vực bao gồm tài chính và chăm sóc sức khỏe là những điểm sáng cho các đợt IPO, tiếp theo là điện và năng lượng.
Jennifer Post, đối tác của công ty luật Thompson Coburn, cho biết thị trường năng lượng tiếp tục sôi động do sự gián đoạn trong các kênh phân phối và cung cấp toàn cầu, trong khi việc áp dụng ô tô điện cũng đang thúc đẩy các giao dịch.
“Những khu vực này sẽ có các ứng cử viên IPO vào năm 2023 vì nhu cầu đầu tư vốn sẽ cấp bách hơn và nhu cầu thương mại, tiêu dùng ngày càng tăng nên vẫn còn mạnh mẽ”, Jennifer Post nói.